Trung thu rộn ràng

24/09/2018 - 07:21

 - Không khí vui tươi, hào hứng đón Tết Trung thu rộn rã khắp nơi. Tiếng trống lân tùng tùng, rinh rinh, tiếng cười nói của trẻ thơ và ánh đèn lấp lánh sắc màu vui hội trăng rằm đã đem đến niềm vui chung cho mọi người. Bởi, Trung thu là Tết thiếu nhi, là nét đẹp truyền thống của dân tộc, ai cũng mong muốn đem đến cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.

Hướng về trẻ em khó khăn

Không khí mùa Trung thu đã sớm sôi động từ 1 tháng qua với sự xuất hiện của bánh, các loại lồng đèn trên thị trường. Trong thời gian này, khu dân cư, cơ quan, đơn vị… còn dành sự quan tâm đối với trẻ em hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt để tổ chức các hoạt động vui hội trăng rằm ý nghĩa. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức cho đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà 614 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn tại các trung tâm, trường, cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, còn phối hợp các địa phương tổ chức “Đêm hội trăng rằm” và tặng 2.400 phần quà cho trẻ em tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Đã thành thông lệ, năm nào các em ở Cơ sở giáo dục nội trú - tình thương Khai Trí (Thoại Sơn) và Trường Trẻ em khuyết tật An Giang (TP. Long Xuyên) cũng được tập trung nhận bánh trung thu, sự thăm hỏi và khích lệ từ lãnh đạo tỉnh, các nhà hảo tâm. Lãnh đạo các đơn vị cho biết, để các em được vui chơi, giáo viên đã giúp các em làm lồng đèn, tập dợt các tiết mục văn nghệ để tổ chức đêm trung thu ý nghĩa, vui tươi.

Hướng đến trẻ em là con đoàn viên, công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn, Trung thu năm nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức “Đêm hội trăng rằm” tặng quà cho 300 em thiếu nhi. LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố lần lượt khai hội trăng rằm cho hàng trăm trẻ em là con người LĐ, đặc biệt đưa chương trình vui Trung thu vào khu công nghiệp, công ty, vận động sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm để ngày tết của các em thêm ý nghĩa. Đưa con đến dự “Đêm hội trăng rằm” do LĐLĐ TP. Long Xuyên tổ chức cho 210 trẻ em là con công nhân LĐ, chị Châu Thị Minh Ý (Công ty TNHH May xuất, nhập khẩu Đức Thành) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên con tôi được tham gia hoạt động trung thu vui như thế này. Nó rất thích xem văn nghệ và tiết mục ảo thuật. Đây không phải là trung thu dành riêng cho trẻ em mà gia đình công nhân cũng được vui lây với niềm vui của con mình. Rất cảm ơn sự quan tâm của ban tổ chức”.

Trung thu rộn ràng

Khắp nơi tổ chức ngày hội vui Trung thu cho trẻ em

Đủ kiểu “chơi” Trung thu

Ở nhiều địa phương, trường học, ngày hội trung thu không chỉ có lồng đèn, bánh ngọt mà hấp dẫn nhất là hội thi làm lồng đèn sáng tạo. Ngoài đèn ông sao, đèn cá chép, bươm bướm, thỏ… theo truyền thống, đèn sáng tạo được thiết kế đủ hình thù bắt mắt. Đó là những chiếc thuyền, chiếc xe, khối trụ, ngôi sao khổng lồ với họa tiết do học sinh tự trang trí kèm thông điệp “Trung thu nhớ Bác”, “Trung thu Việt Nam”, “Trung thu nhớ các chú bộ đội”. Sau khi chấm giải, đèn sẽ được rước đi vòng khắp trong khu dân cư. Các địa phương còn huy động đoàn viên, thanh niên, cán bộ Ban Nhân dân ấp tự làm đèn ông sao tặng cho trẻ em nghèo, tổ chức gian hàng ẩm thực và dàn dựng văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ người dân thưởng thức.

Nhắc đến trung thu, phải có trống lân rộn ràng mới đủ phần xôm tụ. Không giống như ngày Tết, múa lân trung thu là sự tham gia phần lớn của các đội lân nhí hoặc đội lân “không tên” trong trường học, các ấp. Đội lân nhí của em Nguyễn Minh Đạt (xã Tân An, TX. Tân Châu) là một nhóm gồm 15 thành viên. Đạt cho biết, thành viên lớn nhất của đội hiện nay 17 tuổi, còn lại là các bạn nhỏ cùng lứa đang học cấp II trở xuống. Cứ đến dịp trung thu, đội đi biểu diễn ngẫu hứng ở các khu dân cư, sau đó gom tiền về mua bánh tự thưởng. Vì nhỏ tuổi và đội hình thành tự phát nên các điệu múa phục vụ cũng chỉ giản đơn với ông địa, con lân ngoe nguẩy theo tiếng trống nhưng được khán giả ủng hộ rất nhiệt tình, lần nào “thù lao” cũng dư dể dành mua quà vặt đi học.

Trung thu rộn ràng

Làm lồng đèn sáng tạo

Nói trung thu là Tết trẻ em, nhưng từ lâu trong nếp sinh hoạt của người Việt, đây cũng là niềm vui của gia đình, của làng phố. Người lớn cũng hòa vào không khí của trung thu bằng cách ra chợ sắm đèn lồng, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức bánh đón trăng rằm. Thời gian gần đây, thị trường đèn trung thu đã quay lại với các mẫu đèn quen thuộc nhiều hơn, nhất là đèn ông sao 5 cánh chỉ giản đơn với tre, giấy màu bóng, thắp sáng bằng nến. Đó cũng là cách “chơi” trung thu nhằm níu giữ lại các giá trị truyền thống. Trong không khí rộn ràng và trong niềm vui của các em thiếu nhi từ nông thôn đến thành thị, mùa trung thu thêm đong đầy yêu thương khi đã kết nối với những tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng.

MỸ HẠNH