Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

20/04/2018 - 07:08

 - Đình làng là trung tâm tín ngưỡng và văn hóa (VH) làng xã, không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, mà còn là kho tàng chứa đựng hồn cốt, VH dân tộc, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng. Vì những giá trị đó, thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị VH di tích lịch sử (LS), kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… tỉnh còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng chưa được xếp hạng.

Tích cực trùng tu, sửa chữa các hạng mục trong đình làng hiện nay

Gắn bó với đời sống của người dân từ xưa, ngôi đình là nơi tụ họp, sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt thờ các vị thần, thánh hoặc thờ các vị thần theo sắc phong của vua.

Toàn tỉnh An Giang có 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh (di tích lịch sử, di tích VH, di tích kiến trúc nghệ thuật…).

Số ngôi đình còn lại chưa được xếp hạng đa số đang bị xuống cấp, do vị trí xây dựng trước đây thấp, thường bị ngập làm hư hỏng nền.

Theo thời gian, các hạng mục như: gạch, mái ngói, tường ở nhiều nơi hư hỏng, cột gỗ hư mục không còn đảm bảo chất lượng sử dụng, một số đình chưa có hàng rào…

Tháng 4-2017, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt kế hoạch trùng tu, sửa chữa 70 di tích đình làng chưa được xếp hạng trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh ưu tiên trùng tu, phục dựng, bảo quản các di tích hư hại nặng nhằm chống xuống cấp các công trình xây dựng, kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng dân gian, chú trọng các di tích LS, VH thuận lợi cho phát triển du lịch gắn với tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Năm 2017-2018, có 39 ngôi đình được hỗ trợ trùng tu, sửa chữa theo thứ tự ưu tiên, mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/di tích đình làng, còn lại UBND huyện và Ban quản lý di tích vận động từ nguồn xã hội hóa và Nhân dân đóng góp.

Ban quản lý các di tích đình làng làm chủ đầu tư dự án đã tiếp nhận nguồn hỗ trợ và đang trùng tu khá thuận lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Ngoan, Phó Trưởng ban Quý tế đình Hiệp Xương (xã Hiệp Xương, Phú Tân,  An Giang) phấn khởi cho biết, nhiều năm qua, đình đã bị xuống cấp 60%, nhất là nhà khách, vách tường, mái ngói và khung sườn gỗ bị hư, mục nhiều. Được tỉnh hỗ trợ, đình đã được trùng tu nâng nền sân, thay nóc, gia cố lại các mảng tường ẩm và sửa chữa nhà khách.

Năm nay, đình tổ chức Lễ cầu an thêm long trọng vì các hạng mục đã hoàn tất 95%, bà con trong và ngoài địa phương đến cúng bái đều vui mừng. Tổng kinh phí sửa chữa đình Hiệp Xương trên 1 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 950 triệu đồng, còn lại địa phương thực hiện xã hội hóa.

Theo kế hoạch trùng tu đã được phê duyệt, UBND tỉnh khẳng định: công tác bảo tồn không còn là công việc riêng của các nhà chuyên môn, mà sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến hiệu quả của công tác bảo tồn di tích.

Nhận thức được điều này, dựa vào thực lực của địa phương, nhiều năm qua đã có các ngôi đình chủ động trùng tu, sửa chữa bằng phương thức xã hội hóa. Đình Phú Hưng là một đơn cử.

Ông Đặng Thành Nghề, Trưởng ban Quý tế đình Phú Hưng cho biết, dù đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng một số bộ phận của đình tiếp tục bị xuống cấp. So với nhu cầu đến sinh hoạt của bà con, nhất là trong dịp lễ, khuôn viên đình trở nên chật hẹp, mặt bằng trũng, ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt VH, tín ngưỡng của bà con địa phương.

Tại vị trí cũ như trước đây, công trình được di dời ra phía sau 12m, nâng cao đình lên 1,5m, giữ nguyên vẹn kiến trúc vốn có. Đợt trùng tu mới và lớn nhất là vào năm 2014, với kinh phí trên 1 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài địa phương.

Trong xã hội phát triển hiện nay, đình làng thực sự là di sản vô cùng quý giá, mang giá trị VH - LS, giá trị kiến trúc nghệ thuật và giá trị sử dụng, không chỉ góp phần giữ hình ảnh cổ kính mà còn là minh chứng sống động của LS, của cội nguồn mỗi người An Giang.

Đình là nơi gắn với lễ hội, nơi vui chơi sau những ngày vất vả của người dân, đã trở thành ngôi nhà chung kết nối những người cùng tộc họ, quê quán, góp phần tăng thêm tính đoàn kết của các mối quan hệ cộng đồng.

Việc trùng tu, sửa chữa các di tích đình làng đã được Nhân dân đồng thuận vì mục đích giữ gìn giá trị VH-LS của tiền nhân để lại, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch.

Đình làng không chỉ là nơi tôn nghiêm thờ tự các vị thành hoàng mà còn là môi trường sinh hoạt VH cộng đồng truyền thống (nơi tổ chức lễ hội, không gian diễn xướng các loại hình nghệ thuật cổ truyền...). Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích đình làng của tỉnh trở thành những di sản có chất lượng cao về VHLS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch.

 

MỸ HẠNH