TTCK năm 2018: Phấn đấu nâng hạng, phát triển cân đối hơn

22/01/2018 - 20:15

Năm 2017 là khoảng thời gian chứng kiến sự khởi sắc của thị trường cũng như những dấu ấn nhất định trong công tác quản lý giám sát. Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam còn nhiều thách thức phải vượt qua, cần có các định hướng, giải pháp hiệu quả hơn phát triển thị trường năm 2018 và các năm tiếp theo.


Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2018 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 22/1, Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong năm qua, với những nỗ lực, đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành, TTCK đã có sự phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các mục tiêu và kế hoạch đề ra, khẳng định vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu. 

Thị trường khởi sắc, tăng cường niềm tin

Mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế thế giới và trong nước, năm 2017 các bộ phận của TTCK vẫn  có sự tăng trưởng rõ nét so với năm 2016.

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ UBCKNN. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Đại diện UBCKNN cũng cho biết, thị trường đã có mức tăng trưởng ấn tượng với quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP, chỉ số VNIndex tăng 48% so với năm 2016, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt kỷ lục trong khi lãi suất phát hành TPCP năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay (ở mức 6,07%/năm).

Thị trường chứng khoán phái sinh đã đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK, hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tuy mới triển khai nhưng có sự tăng trưởng mạnh cả về hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản.

Dòng vốn nước ngoài vào ròng cao nhất 10 năm qua, với tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay (tăng 90% so với cuối năm 2016).

Công tác cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2017, tổng số phiên đấu giá, thoái vốn chiếm 73% số phiên đấu giá trên Sở giao dịch chứng khoán với tổng giá trị thu về gấp 7,8 lần so với năm 2016, đóng góp đáng kể vào NSNN.

Đáng chú ý, công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường và được triển khai toàn diện trên TTCK. Trong năm 2017, UBCKNN đã ban hành khoảng 349 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Tổng số tiền thu về là 30,4 tỷ đồng (gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016). Lần đầu tiên, UBCKNN đã từ chối chấp thuận báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán của 15 DN đại chúng và đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp nhận.

Bên cạnh những thành công, lãnh đạo UBCKNN cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, cần tháo gỡ về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài; công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; việc xử lý giải thể, phá sản các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ bị thu hồi giấy phép vẫn còn chưa thực hiện được triệt để; sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế.

Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hiệu quả giám sát

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cho rằng, năm qua, UBCKNN đã luôn đồng hành cùng với các thành viên thị trường, tiếp thu những ý kiến của Hiệp hội kiến nghị, tạo mối quan hệ gắn kết hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức phi chính phủ cũng như các thành viên thị trường.

Còn ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá cao việc thành công phát triển kinh tế vĩ mô, đồng thời việc cơ quản lý xử lý nghiêm túc hơn các đơn vị vi phạm, tạo môi trường công bằng minh bạch, góp phần tăng cường lòng tin thị trường. 

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Nguyễn Duy Hưng góp ý, để phát triển TTCK Việt Nam và để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam thời gian tới, thị trường cần đảm bảo sự minh bạch và thúc đẩy việc nâng hạng TTCK. 

Về vấn đề thoái vốn DNNN, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines một đơn vị đang tích cực triển khai cổ phần hoá cho rằng, việc cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn trên 51%, trong chừng mực nào đó khó hấp dẫn các nhà đầu tư trong điều kiện môi trường cạnh tranh tự do. Cần từng bước nghiên cứu việc Nhà nước chỉ cần nắm cổ phần có một số quyền hạn quan trọng như phủ quyết, còn lại nên mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư đại chúng đầu tư lượng vốn lớn hơn, có quyền dẫn dắt quản trị nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đại diện cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ghi nhận những kết quả đáng khích lệ và những nỗ lực của UBCKNN cùng các thành viên thị trường. TTCK thật sự góp phần huy động nguồn vốn lớn, làm cân đối vĩ mô tốt hơn, đặc biệt năm 2017, TTCKPS đi vào hoạt động và phát triển tốt.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng hệ thống các văn bản pháp luật về chứng khoán dù có cải thiện nhưng chưa theo kịp sự thay đổi, có độ vênh, ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý thị trường. Thị trường phát triển nhưng chưa có sự phát triển giữa cổ phiếu, trái phiếu...

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu UBCKNN phải tích cực đóng góp xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (khoảng tháng 11/2018) và trình Quốc hội thông qua năm 2019.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị các hiệp hội, thành viên thị trường tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Tài chính, UBCKNN trong quá trình xây dựng dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu TTCK, UBCKNN và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030 trong đó có cả tái cơ cấu hàng hóa, cơ sở các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trung gian, tái cấu trúc thị trường…

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng đề nghị UBCKNN cần phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, cung cấp nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, đi theo đó là cơ chế về quản trị điều hành, quản trị rủi ro. Ngoài phát triển thị trường, cần tăng cường giám sát thị trường tạo điều kiện cho thị trường mang tính chất tuân thủ quy định pháp luật cao, đáp ứng tiêu chí minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng khẳng định thời gian tới, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và có những cải thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, quản lý và phát triển thị trường hiệu quả hơn. UBCKNN sẽ có những giải pháp tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung, tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Cũng tại hội nghị, đại diện UBCKNN đã trao đổi mở, cung cấp thông tin cụ thể với các đại biểu tham dự về chính sách phát triển thị trường trong đó có chính sách thuế, phí liên quan đến lĩnh vực chứng khoán; về vấn đề nâng hạng thị trường; tăng cường quản trị doanh nghiệp; quản trị rủi ro; hạn chế sở hữu chéo; về phát triển cơ sở các nhà đầu tư…

Theo HUY THẮNG (Chính Phủ)