Từ 1-1-2019: Lương tối thiểu vùng cao nhất dự kiến 4.180.000 đồng/tháng

09/09/2018 - 09:11

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đồng – 200.000 đồng so với hiện nay. Về thời điểm áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng quy định mới từ ngày 1-1-2019.

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thay thế cho Nghị định 141/2017/NĐ-CP.

Theo dự thảo, những đối tượng sau được tăng lương theo quy định:

Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2012 có mức lương hiện hành thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới (mức lương tối thiểu vùng 2019);

Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2012 có mức lương hiện hành bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới nhưng được người sử dụng lao động xem xét nâng lương cho phù hợp với thang lương, bảng lương mới của doanh nghiệp.

Mức lương cụ thể dự tính được điều chỉnh tăng như sau:

Lương tối thiểu tại Vùng I tăng thêm 5,0% (mức mới 4.180.000 đồng/tháng)

- Lương tối thiểu tại Vùng II tăng thêm 5,1% (mức mới 3.710.000 đồng/tháng)

- Lương tối thiểu tại Vùng III tăng thêm 5,2% (mức mới 3.250.000 đồng/tháng)

- Lương tối thiểu tại Vùng IV tăng thêm 5,8% (mức mới 2.920.000 đồng/tháng).

Theo tính toán, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 160.000 đồng – 200.000 đồng so với hiện hành năm 2018, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 5 - 5,8% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,3%). Việc điều chỉnh lương tối thiểu dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2018 dự kiến khoảng 3,5% - 4% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,3% - 1,8% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua tổng hợp đề xuất của các địa phương, có 59/63 địa phương đề nghị giữ nguyên địa bàn áp dụng mức lương vùng như hiện hành.

Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng, việc đề xuất điều chỉnh nâng vùng của các địa phương trên là có cơ sở, do các địa bàn trên có thị trường lao động khá phát triển, nhiều cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp ranh với các địa bàn vùng I hoặc vùng II...

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất với đề nghị điều chỉnh nâng vùng của các địa phương để tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn giáp ranh, lận cận.

Riêng 4 địa phương đề nghị điều chỉnh một số địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát, tiếp thu vào dự thảo nghị định như sau: UBND TP Hải Phòng đề nghị điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với huyện Kiến Thụy và huyện Cát Hải; UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với huyện Gia Bình và huyện Lương Tài; UBND tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với huyện Dầu Tiếng và huyện Phú Giáo; UBND tỉnh Tiền Giang nghị điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với huyện Châu Thành, vùng IV lên vùng III đối với huyện Tân Phước.  

Theo GIANG ĐÔNG (Báo Dân Sinh)