Từ miền đất hậu sinh đến trung tâm thủ phủ An Giang

23/04/2019 - 07:29

 - Năm 1789, tại vàm Tam Khê (khu vực Vincom Plaza và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim ngày nay), Chúa Nguyễn cho dựng lên một đồn nhỏ hình vuông bằng đất, gọi là thủ Đông Xuyên. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất hoang vu bấy giờ. Trải qua nhiều thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến năm 1867, thực dân Pháp gọi nơi đây là Long Xuyên. 230 năm trôi qua, Long Xuyên trở thành thành phố đô thị loại II, yên bình bên dòng sông Hậu.

Để đánh dấu sự kiện trọng đại ấy, UBND TP. Long Xuyên phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP. Long Xuyên (1789-2019)”. Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận giá trị của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tác giả trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức đã chọn 46 tham luận tiêu biểu để in thành tài liệu nhằm phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lâu dài. Các bài tham luận góp phần làm phong phú thêm về lịch sử hình thành và phát triển của Long Xuyên qua 230 năm, trên các lĩnh vực (vị trí địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, kiến trúc, xây dựng từ năm 1979 đến 2019); đánh giá những bước ngoặt của Long Xuyên qua các thời kỳ lịch sử hình thành, phát triển, chiến đấu, xây dựng địa phương; đề xuất những giải pháp để phát triển TP. Long Xuyên trong những năm tới.

Quang cảnh hội thảo

Từ đó, thủ Đông Xuyên - TP. Long Xuyên trở nên đa chiều dưới góc nhìn khoa học, lịch sử. Ông Nguyễn Trung Thứ (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐNĐ TP. Long Xuyên) khẳng định: “Từ thủ Đông Xuyên đến TP. Long Xuyên, từ bến chợ Đông Xuyên đến thành phố đô thị loại II xinh tươi, duyên dáng, soi bóng hiền hòa bên dòng Hậu giang thơ mộng là một chuỗi dài hơn 2 thế kỷ với chất ngất công lao của các thế hệ tiền hiền khai cơ, hậu hiền lập nghiệp, của Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên. Bởi, khi được khai mở và xác lập địa danh, giai đoạn đầu địa phương phát triển chậm chạp. Đến khi sung túc, lại ảnh hưởng nặng nề bởi địch họa, thiên tai, phải đương đầu với biết bao nan giải chồng chất, gian khó trăm bề trong bước đường đi lên”. Ông Lưu Phước Lộc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long) nhận định: “Vùng đất An Giang được những cư dân người Việt khai phá sau cùng của vùng đất Nam Bộ, vì so với các nơi khác trong vùng, điều kiện sinh sống nơi đây không thuận lợi. Phần lớn diện tích là đồi, núi thấp, đất đai bị nhiễm phèn. Do đó, dưới thời các chúa Nguyễn, việc khai hoang lập ấp ở vùng đất An Giang ngày nay chủ yếu để phục vụ an ninh - quốc phòng. Qua quá trình khai hoang với bàn tay cần cù lao động, quay quần bám đất, dựng làng, bằng cả mồ hôi, xương máu, cùng nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, chủ quyền đất nước, bảo vệ thành quả khai hoang, người xưa đã biến những vùng đất hoang vu thành những mảnh đất xanh tươi, giàu tiềm năng phát triển về kinh tế và có vai trò về mặt an ninh - quốc phòng, không chỉ riêng đối với vùng đất An Giang, mà còn của khu vực và cả nước”.

Đánh giá vai trò của TP. Long Xuyên trong mối liên kết của vùng Tứ giác Long Xuyên, ThS Tài Lê Khanh (Trường Đại học Trà Vinh) cho rằng: “Trong 4 địa phương thuộc Tứ giác Long Xuyên, An Giang có diện tích lớn nhất, lợi thế về kinh tế biên mậu, có nhiều cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia; có thế mạnh nuôi thủy sản, sản xuất lúa chất lượng cao và phát triển du lịch. Là thủ phủ của An Giang, những năm qua, cùng với bước chuyển mình của tỉnh nhà, TP. Long Xuyên từng bước khẳng định vai trò đầu tàu phát triển của mình, xứng đáng là trung tâm của tỉnh và khu vực”. Nhìn nhận ở góc độ du lịch, PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) tin tưởng: “Trên địa bàn tỉnh An Giang nổi lên 3 trung tâm di sản hàng đầu (Thoại Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc), rất thuận lợi để kết nối thành 1 tuyến du lịch hấp dẫn: Con đường di sản An Giang. Trong đó Long Xuyên đóng vai trò là điểm trung chuyển, trung tâm kết nối 2 đầu tuyến còn lại. Long Xuyên còn có nhiều di sản, có thể bổ sung, phát triển cho Thoại Sơn, Châu Đốc, góp phần làm “Con đường di sản An Giang” thêm hoàn chỉnh”.

“Hội thảo về một thành phố thường thấy trong cả nước, nhưng hội thảo lịch sử hàng trăm năm hình thành như thế này thì Long Xuyên là địa phương thực hiện khá sớm. Tôi thấy rằng, hội thảo đã tụ hội lại tri thức, kiến thức từ xưa đến nay, cung cấp thông tin chính thức, nhiều chiều, bổ ích, với tư liệu đầy đủ, mức độ tin cậy cao. Rõ ràng, sau 230 năm, Long Xuyên giờ đã có nhiều di sản được để lại, kể cả di sản về kinh tế, văn hóa... Nhìn lại quá khứ là để hướng đến tương lai, tìm cách phát huy, bảo tồn quá khứ và di sản, kết nối với ngày nay” - PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Long Xuyên, Hội thảo khoa học lịch sử “230 năm từ Thủ Đông Xuyên đến TP. Long Xuyên” là hoạt động trong chuỗi các hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm thành lập thủ Đông Xuyên, 20 năm thành lập TP. Long Xuyên, 10 năm TP. Long Xuyên lên đô thị loại II. Qua đó, nêu cao khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng TP. Long Xuyên, quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

 

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG