Tứ Sơn đồng hành cùng du lịch An Giang

08/06/2018 - 09:35

 - Khi ông Tạ Minh Sơn lên ý tưởng xây dựng Khu đặc sản vùng miền trong Siêu thị Tứ Sơn (STTS), trong đó có sản xuất vật phẩm lưu niệm in cảnh đẹp An Giang, một số ý kiến nói ông chuyển sang “làm chính trị”, đầu tư vào mảng lâu thu hồi vốn. Tuy nhiên, với Giám đốc STTS đó chỉ đơn giản là tâm huyết của ông đối với du lịch (DL) và là hành động cụ thể hưởng ứng chủ trương phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Dấu ấn Châu Đốc

Khoảng 2 tháng nay, du khách đến STTS (TP. Châu Đốc) không khỏi ngỡ ngàng trước Khu đặc sản vùng, miền được bày trí bắt mắt, nổi bật với những sản phẩm có tiếng của các địa phương trong nước. Dù mới triển khai giai đoạn I (khoảng 500m2) nhưng khu đặc sản này có sức hút đặc biệt. Ngay vị trí đẹp nhất của khu đặc sản, hàng hóa An Giang được trưng bày hấp dẫn. Đặc biệt, góc bên trái để lại ấn tượng khi sắp xếp những ngăn bố trí các vật phẩm lưu niệm, có in cảnh đẹp An Giang. Tại đây, tập hợp hầu hết các danh thắng của tỉnh, từ Bà Chúa Xứ núi Sam đến núi Cấm, tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, núi Két, đồi Tức Dụp, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tượng đài Bác Tôn… Các cảnh đẹp mang đậm nét đặc trưng của An Giang về ruộng đồng, sông, suối, đồi núi, biên giới, rừng tràm… đều được phối cảnh khéo léo, đẹp mắt. Những chiếc quạt tay, ly thủy tinh, ly sứ, dĩa sứ, túi xách, túi giấy, móc khóa, đá nguyên thủy, đồng hồ, thủy tinh cao cấp, pha lê, áo thun…để lại dấu ấn khi in cảnh đẹp An Giang lên đó. Du khách có thể chọn mua vật phẩm có in sẵn cảnh đẹp hoặc chụp hình cá nhân, gia đình, bạn bè rồi ghép vô cảnh đẹp, in lên vật phẩm như một kỷ niệm khó phai khi đến An Giang. Tại đây, các thiết bị chụp ảnh, xử lý ảnh, in ấn đều được trang bị đầy đủ. Du khách không cần đi giáp An Giang nhưng vẫn có được những bức ảnh đẹp với thắng cảnh nổi tiếng, dù là ảnh ghép nhưng được xử lý tinh tế, trông như ảnh chụp tự nhiên. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trên địa bàn An Giang có một khu đặc sản các vùng, miền được sắp xếp, bày trí quy mô, khoa học kèm những dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu du khách.

Khu vực trưng bày vật phẩm in thắng cảnh An Giang

Nhiều người đến TP. Châu Đốc cảm thấy thích khi ghé qua Khu đặc sản vùng, miền của STTS nhưng ít ai biết rằng, để có được dấu ấn này, ông Tạ Minh Sơn cùng nhân viên đã mất nhiều năm vất vả chuẩn bị. Đối với hàng hóa đặc sản đưa vào khu trưng bày, đều đã gắn kết hơn 5 năm với chương trình của STTS và Sở Công thương. “STTS đã chọn được 16 tỉnh, thành phố có hàng hóa mang nét đặc trưng cho từng tỉnh để đưa vào khu chuyên bán hàng hóa đặc sản các vùng miền. Hiện nay, hàng hóa của 16 tỉnh, thành phố có doanh thu rất tốt, được khách DL từ nhiều nơi đến An Giang rất hài lòng” - ông Sơn thông tin.

Để có những phôi ảnh đẹp về An Giang, nhân viên của STTS đã đi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh để chụp hơn 1.000 bức ảnh. Mỗi tấm ảnh có được cũng không hề dễ dàng bởi ngoài chọn góc ảnh, bố cục khung hình chặt chẽ, họ còn phải canh thời điểm ánh sáng phù hợp để ảnh đủ sáng, phô diễn hết vẻ đẹp thiên nhiên. Có những bức ảnh, nhân viên phải đi đến nhiều lần, chụp cả chục tấm mới chọn được 1 tấm ưng ý. Sau nhiều năm “săn” ảnh, ông Tạ Minh Sơn cùng với nhân viên STTS chọn lựa 63 tấm ảnh đặc sắc nhất để làm phôi ảnh in lên vật phẩm và ghép hình cho du khách. Việc in cảnh đẹp lên vật phẩm không phải dễ dàng bởi với mỗi chất liệu khác nhau, đòi hỏi kỹ thuật xử lýcũng không giống nhau. Nếu như việc in trên áo, quạt chỉ là “chuyện nhỏ” thì khi in lên chất liệu sứ, thủy tinh, pha lê, đặc biệt là chất liệu đá nguyên thủy càng khó hơn. Có những sản phẩm phải trải qua nhiều lần thất bại mới đạt thành công. “Càng khó khăn chúng tôi càng trân quý việc làm của mình. Đến mùa nước nổi và dịp Tết Nguyên đán tới đây, nhân viên STTS sẽ tiếp tục đi sáng tác ảnh đẹp để làm phong phú hơn kho ảnh hiện có” - ông Sơn chia sẻ.

Song hành với chủ trương của tỉnh

Mặc cho những ý kiến hồ nghi, ông Tạ Minh Sơn vẫn đem ý tưởng xây dựng Khu đặc sản vùng miền, khu vật phẩm lưu niệm và thắng cảnh An Giang trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), UBND TP. Châu Đốc. “Nghe trình bày, các anh đều ủng hộ một cách trân trọng. Đó là niềm vui, động lực để tôi quyết tâm làm. Dẫu biết rằng, bỏ vài tỷ đồng đầu tư cho các sản phẩm DL thì khả năng phải mất 5 - 10 năm và lâu hơn nữa mới có thể thu hồi vốn, chậm hơn một số loại hình đầu tư khác. Tuy nhiên, tôi tin vào tính bền vững của mô hình khi đáp ứng đúng nhu cầu du khách. Tôi tin vào chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi xem DL là kinh tế trọng điểm để đột phá và phát triển” - ông Sơn tâm sự.

Một động lực khác để ông chủ STTS đầu tư vào các sản phẩm DL mới, độc đáo xuất phát từ quyết tâm muốn trả DL về đúng giá trị của nó. “Theo tôi, chưa có tỉnh nào mang đặc thù địa lý vùng độc đáo như An Giang. Ở đây vừa có ruộng đồng, sông, hồ rộng lớn, vừa có núi cao, bình nguyên, rừng tràm, lại có kinh tế biên giới, đa dân tộc (Kinh, Chăm, Khmer, Hoa), đa tôn giáo với nền văn hóa tâm linh hình thành hàng trăm năm. Thiên nhiên đã tặng cho An Giang nhiều cảnh đẹp, nhiều ưu đãi. Từ năm 2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thể hiện quyết tâm phát triển DL rất lớn. Ai cũng nói hưởng ứng chủ trương của tỉnh nhưng không nhiều DN có hành động cụ thể. Là một người luôn trăn trở và tâm huyết với DL, tôi thấy cần thiết phát triển các sản phẩm mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu du khách để góp phần hiện thực hóa quyết tâm phát triển DL của tỉnh” - ông Sơn phân tích.

Qua nghiên cứu nhiều năm, Giám đốc STTS nhận thấy, những đặc sản An Giang như: khô, mắm, đường thốt nốt…khách có thể mua về nhưng sẽ sử dụng hết trong thời gian nhất định. “Với vật phẩm in cảnh đẹp, in hình du khách lên bức tranh về An Giang, du khách sẽ đặt ở những nơi trang trọng, lưu lại kỷ niệm khó phai. Những vật phẩm kèm cảm nhận của khách sẽ góp phần kết nối, quảng bá DL cho tỉnh. Đây sẽ là dấu ấn khởi đầu để STTS tiếp tục đầu tư vào DL” - ông Sơn nhấn mạnh.

Khu vực trưng bày vật phẩm in thắng cảnh An Giang

Tạo lan tỏa từ trong tỉnh

Ông Tạ Minh Sơn cho biết, hiện nay, các dòng sản phẩm phục vụ khách DL khá đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng du khách. Với các sản phẩm có in cảnh đẹp An Giang, giá bán từ 10.000 đồng đến 400.000 đồng/món đều có. Cá biệt, có những vật phẩm đóng thành bộ có giá hơn 900.000 đồng/bộ. Dịch vụ chụp hình lấy liền (ghép ảnh vào thắng cảnh An Giang, rửa ảnh hoặc in lên vật phẩm lưu niệm) đang thu hút du khách. Hiện nay, Sở VH-TT&DL đã hướng dẫn STTS hoàn thiện cơ sở pháp lý để in hình ảnh Bác Tôn, tượng đài lên vật phẩm lưu niệm.

Để tạo sự lan tỏa của sản phẩm DL mới, STTS sẽ tập trung quảng bá trước mắt trong tỉnh. ST đang đề nghị Sở VH-TT&DL và Sở Công thương hỗ trợ tổ chức “Triển lãm giới thiệu vật phẩm lưu niệm cùng thắng cảnh nổi tiếng đặc trưng An Giang” tại TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên vào thời điểm có các sự kiện lớn. Khi được đông đảo người dân trong tỉnh biết đến, ủng hộ, mô hình mới của STTS sẽ được lan tỏa từ chính những “đại sứ DL” là người dân An Giang.

“STTS đang đề nghị Sở VH-TT&DL, Sở Công thương kết nối, giới thiệu cho ST đưa vật phẩm lưu niệm An Giang đến trưng bày tại các trung tâm DL có quy mô lớn ở các tỉnh, thành phố trong nước để quảng bá hình ảnh DL An Giang. Đồng thời, tiếp nhận và đăng tải các hình ảnh vật phẩm lưu niệm gắn với thắng cảnh An Giang trên cổng thông tin điện tử của các sở này” - ông Sơn chia sẻ.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN