Tứ Sơn tiếp tục đồng hành cùng du lịch Châu Đốc

24/01/2018 - 01:14

 - Sự kiện Khu du lịch (KDL) núi Sam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng thành KDL cấp quốc gia mang đến niềm tự hào cho người dân TP. Châu Đốc. Hòa cùng không khí hân hoan ấy, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (STTS) đã có những gợi ý để ngành DL phát triển.

Phóng viên (PV): Là người gắn bó với TP. Châu Đốc từ thuở “hoang sơ”, ông có nhận xét gì về tiềm năng DL của địa phương này?

Ông Tạ Minh Sơn (T.M.S): qua 33 năm gắn bó với TP. Châu Đốc, tôi thấy đây là địa phương có tiềm năng rất lớn về DL. Lúc trước, do hoàn cảnh lịch sử, tiềm năng này chưa được phát huy thích hợp. Những năm gần đây, cùng với sự ủng hộ của tỉnh, Đảng bộ và chính quyền TP. Châu Đốc đã dày công đầu tư vào DL, tạo điều kiện cho DL bứt phá. Đây là nỗ lực rất đáng trân trọng.

PV: Cảm giác của ông như thế nào khi KDL núi Sam được nâng tầm lên KDL cấp quốc gia?

Ông T.M.S: không phải riêng tôi mà người dân cả tỉnh đều vui mừng, phấn khởi, xen lẫn tự hào. Chỉ với tầm vóc của KDL cấp quốc gia, chúng ta mới trả đúng giá trị hữu hình và vô hình cho DL núi Sam, tương xứng với tiềm năng mà KDL này mang lại. Có ai đặt câu hỏi vì sao lượng du khách đến TP. Châu Đốc tăng đều qua từng năm, lên đến 5-6 triệu lượt người? Đó là sức hút của DL núi Sam, của Bà Chúa Xứ mang lại. Việc KDL núi Sam trở thành KDL quốc gia là cơ hội để chúng ta đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của DL tâm linh nhằm khai thác hợp lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, khách DL đến An Giang đông nhưng tiêu xài chẳng bao nhiêu, khoảng 500.000 đồng/lượt người. Giá trị DL mang lại thấp như vậy thì cớ gì phải đầu tư cho DL?

ÔngT.M.S: tôi đặt câu hỏi ngược lại, tại sao hơn 7 triệu lượt khách đến An Giang không chịu bỏ tiền chi tiêu dù khi đi DL, hiển nhiên trong túi họ có tiền? Ví dụ như khi đến TP. Châu Đốc, thường người ta ghé đốt nhang, cúng Bà, đi dạo 1 vòng, mua ít đặc sản rồi về. Như vậy, chúng ta chưa cung cấp được các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu để họ chịu chi tiền.

Trong công tác quản lý DL, không nên đưa ra quy hoạch, định hướng cho du khách rồi bắt khách phải hướng theo những gì chúng ta mong muốn vì đó là quy trình ngược. Cần điều tra xã hội học để tìm hiểu xem khách đến An Giang cần gì, mua gì, thích những dịch vụ nào, đặc biệt là nhu cầu về tâm linh tôn giáo. Những thông tin này là cơ sở để quy hoạch và chọn lựa hướng phát triển DL phù hợp. Phải xác định rõ một điều, chính du khách là đối tượng mang lại lợi ích lớn nhất cho DL, góp phần giúp DL tồn tại và phát triển. Do vậy, mọi hoạt động DL phải nhằm phục vụ du khách, hướng đến nhu cầu và lợi ích của du khách.

PV: Cụ thể, ngành DL cần làm gì?

Ông T.M.S: chúng ta vui mừng khi có được KDL cấp quốc gia. Muốn khai thác hiệu quả DL, phải có chương trình hành động cụ thể, phải có lộ trình xây dựng hình ảnh DL bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những nhân viên bình thường nhất. Theo đó, con người phục vụ DL phải có chuyển động về văn hóa giao tiếp, từ đồng phục đẹp, nụ cười tươi, ánh mắt thân thiện cho đến tác phong chuyên nghiệp. Từ đó, tạo sự lan tỏa, lấn át dần các tệ nạn xấu, tăng sự hài lòng nơi du khách. Đồng thời, phải tạo được điểm nhấn, truyền được thông điệp DL, ví dụ như “đến An Giang, mang lộc về”. Khi xây dựng các hoạt động lễ hội, sự kiện, ví dụ như lễ phục hiện rước Bà, phải tổ chức làm sao để du khách cùng tham gia, cùng được hưởng thụ, tức là đặt quyền lợi của du khách trong mọi hoạt động.

Đừng bê-tông hóa, che khuất tầm nhìn hình ảnh núi Sam. Hiện nay, các cánh đồng bao quanh núi Sam tôn tạo một hình ảnh rất đẹp nên cần giữ gìn. Phải xác định ngay, xanh và sạch là tiêu chí hàng đầu cho KDL núi Sam. Hãy tưởng tượng, khách vượt quãng đường xa đến một nơi DL mà cảnh tượng đầu tiên là những khối bê-tông dày đặc sẽ tạo nên cảm giác mệt mỏi. Núi Sam cần không gian xanh nhẹ nhàng, bình an mới đúng với ý nghĩa DL tâm linh.

PV: Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ông sẽ làm gì để đóng góp vào sự phát triển của DL An Giang?

Ông T.M.S: tôi luôn suy nghĩ phải làm gì để tạo dấu ấn cho khách đến TP. Châu Đốc. Sau 3 năm chuẩn bị, STTS sẽ cho ra mắt khu đặc sản vùng, miền (giai đoạn 1) vào tháng 4-2018. Cùng với đặc sản của 25 tỉnh, thành phố, khu đặc sản sẽ gây bất ngờ với dấu ấn mới lạ. Du khách vào đây ngoài mua sắm đặc sản còn được cung cấp menu “cảnh đẹp An Giang”. Khách có thể mua những tấm ảnh đẹp hoặc chụp hình rồi lồng vào phôi ảnh có sẵn các cảnh đẹp nổi tiếng để khách mang về. Chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm ấn tượng đẹp cho khách khi đến An Giang.

PV: Cám ơn ông.

“Chúng tôi đã kết nối, đưa khu đặc sản vùng, miền của STTS vào danh sách điểm đến của DL An Giang. Đây sẽ là một trong những dấu ấn thu hút du khách. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào DL, góp phần tăng chất lượng và giá trị của lĩnh vực mũi nhọn này”- Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều thông tin.

 

Tứ Sơn tiếp tục đồng hành cùng du lịch Châu Đốc

STTS xây dựng khu đặc sản vùng, miền để thu hút du khách

NGÔ CHUẨN (Thực hiện)