Tự ý truyền dịch rất dễ ảnh hưởng tới tính mạng

20/10/2018 - 20:05

Nhiều người dân do thiếu hiểu biết, cứ thấy mệt mỏi, ăn uống kém là có nhu cầu truyền dịch để tăng cường sức khỏe, đây là một sai lầm dễ dấn đến nguy hiểm vì truyền dịch phải được chỉ định bởi bác sĩ tại cơ sở y tế, nếu truyền sai cách, rất dễ xảy ra sốc phản vệ.

Chỉ bác sĩ mới được chỉ định truyền dịch, nhất là với trẻ em. Ảnh: TTXVN

Sự việc cháu bé 22 tháng tuổi ở Long Biên, Hà Nội bị sốc dẫn đến tử vong trong khi truyền nước tại phòng khám tư số 392 Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) ngày 16-10 vừa qua vẫn còn đang khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, cháu bé đến phòng khám này khám với biểu hiện sốt, tiêu chảy và được chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, cháu bé có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ, tuy đã được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang để cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi. Sau khi điều tra sự việc, được biết phòng khám tư trên không được phép thực hiện truyền dịch.

Qua sự việc này cho thấy hiện nay có nhiều người dân có thói quen tự ý đi truyền dịch, truyền hoa quả…thậm chí gọi nhân viên y tế tới nhà truyền dịch khi sức khỏe kém là một việc làm vô cùng nguy hiểm.

BS.Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Truyền dịch thường được chỉ định trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bù lượng dịch đã mất bằng đường uống, như: Bị tiêu chảy cấp, nôn nhiều, bỏng nặng, sốt cao kéo dài gây mất nước... Truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định vì chỉ có bác sĩ mới cân nhắc được sẽ truyền loại dịch gì, số lượng bao nhiêu và đối tượng nào được truyền.

BS. Oanh cũng dẫn chứng đã từng phải cấp cứu rất nhiều trường hợp do truyền nước, truyền hoa quả, đạm… do người bệnh mẫn cảm, dị ứng với một số thành phần nào của dịch truyền.

“Việc xảy các phản ứng khi truyền dịch có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do nhân viên y tế không kiểm tra kỹ lưỡng chai dịch truyền trước khi truyền, không lắc kỹ, không kiểm tra nút của chai dịch truyền xem có còn nguyên vẹn hay không; đặc biệt người thầy thuốc quên hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi truyền hoặc tiêm cho bệnh nhân thì nhiều nguy cơ cũng có thể xảy ra với người bệnh khi truyền dịch” BS. Oanh cho biết.

Cũng theo BS. Oanh, những bệnh nhân như người già hay trẻ em khi chỉ định truyền dịch phải hết sức cẩn thận. Cụ thể, đối với người già, mức lọc cầu thận, đào thải kém, nếu truyền không đúng định lượng sẽ gây quá tải, dẫn đến suy tim cấp, thậm chí nguy kịch cho bệnh nhân. Còn đối với trẻ nhỏ bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não cũng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn các loại dịch truyền. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, nếu không tính theo cân nặng và không đánh giá đầy đủ tình trạng mất nước, mức độ mất nước mà truyền không đúng cách cũng sẽ dẫn đến quá tải dịch, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý truyền dịch tại các phòng mạch và tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp làm tăng sức khỏe. Truyền dịch chỉ thực hiện khi có chỉ định cần thiết của bác sĩ tại các cơ sở y tế, nhất là đối với bệnh nhân là trẻ em vì phải là những thầy thuốc chuyên khoa Nhi mới đánh giá được tình trạng mất nước của trẻ và truyền dịch cho trẻ theo đúng phác đồ. Khi truyền dịch cho trẻ, cần đưa trẻ đến bệnh viện, các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin tức)