Tục khai trương đầu năm mới của người Việt

23/02/2018 - 01:36

 - Người Việt rất xem trọng tục khai trương đầu năm mới. Khai trương là sự mở đầu cho một quá trình phấn đấu cùng niềm mong ước “đầu xuôi, đuôi lọt”.

Tục khai trương Tết xưa

Với người Việt, tục khai trương mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi thế, họ chú trọng vào ngày giờ, lễ vật cũng như các hình thức lễ nghi khá cầu kỳ.

Ông Trịnh Hòa Nam, bậc cao niên ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) cho biết: “Hầu như những người làm nghề mua, bán đều rất xem trọng ngày khai trương.

Họ coi đó là biểu tượng cho sự thịnh vượng trong cả năm kinh doanh dù chưa biết diễn biến tương lai sẽ ra sao.

Vì vậy, người ta sắm lễ vật rất phong phú, có cả lễ mặn và lễ ngọt. Lễ ngọt là trái cây, bánh, mứt các loại. Lễ mặn là các món thịt gà, thịt heo… để cúng vái trong lễ khai trương.

Đặc biệt, họ quan niệm rằng, lễ càng trọng thì lộc càng nhiều nên mâm cỗ khai trương thường rất thịnh soạn”.

Tục khai trương là một phần trong văn hóa của người Việt

Thông thường, người ta chọn ngày chẵn để khai trương như: mùng 2, mùng 4, mùng 6… với ý nghĩa tròn đầy. Họ tránh khai trương ngày mùng 7, mùng 8 bởi trong âm Hán Việt bảy là “thất”, còn tám là “bát” sẽ không tốt cho việc kinh doanh, sản xuất.

Theo nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, người Hoa đặc biệt thích khai trương vào ngày mùng 4 Tết và lễ vật của họ khá đầy đủ, thậm chí cầu kỳ.

Trong ngày khai trương, người ta thường khấn vái thần tài, thổ thần với mong ước sẽ được phò trợ cho công việc làm ăn phát đạt trong năm mới. Do xem trọng việc khai trương nên chợ búa ngày trước hầu như không hoạt động trong dịp Tết.

“Vài chục năm trước, các bà nội trợ phải tích trữ thực phẩm trong gia đình sao cho đủ dùng trong mấy ngày Tết, bởi ra chợ khi đó sẽ không mua được bất cứ thứ gì.

Thời đó, những người làm nghề buôn bán hoặc công ty, xí nghiệp… sẽ ngưng các hoạt động giao thương, làm ăn cho đến khi họ làm xong lễ khai trương năm mới.

Đặc biệt, những người có điều kiện kinh tế hay những công ty làm ăn lớn tổ chức khai trương rầm rộ với mong muốn hoạt động mua bán, giao dịch được thịnh vượng.

Họ tổ chức múa lân, múa rồng thu hút khá đông người đến xem và coi đó là sự mở đầu lý tưởng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm mới” - nhà thơ Trịnh Bửu Hoài cho hay.

Tục khai trương Tết nay

Theo dòng thời gian, người Việt vẫn giữ tục khai trương năm mới nhưng đã linh hoạt theo nhịp sống của xã hội hiện đại.

“Bây giờ, người ta cố gắng lựa chọn ngày tốt để khai trương nhưng lễ lộc thì đã tinh giản hơn nhiều, nhất là những hộ kinh doanh nhỏ.

Nhiều gia đình chỉ bày hoa quả, thắp nén nhang cầu nguyện thổ thần và các đấng siêu nhiên phù hộ việc làm ăn phát đạt, chứ không bày biện tốn kém như trước.

Thậm chí, nhiều người còn buôn bán liên tục từ ngày 30 Tết rồi sang cả mùng 1. Nhờ đó, các bà nội trợ bây giờ khá thoải mái, bởi chợ búa vẫn hoạt động dù một số loại thực phẩm không phong phú như thường lệ”- nhà thơ Trịnh Bửu Hoài phân tích.

Với một bộ phận tiểu thương, Tết là cơ hội tăng thu nhập nên họ chấp nhận việc ra chợ, chứ không ở nhà đón năm mới.

Do việc mua bán rau cải tại chợ đầu mối diễn ra liên tục nên chị Nguyễn Ngọc Dung phải khai trương năm mới tại chợ Châu Long (TP. Châu Đốc) từ sáng mùng 1.

Vì bạn hàng ở huyện Tịnh Biên, thị trấn Long Bình (An Phú) vẫn nhập hàng về bán trong ngày đầu năm mới nên chị Dung cũng không thể ăn Tết ở nhà.

Chỉ cần sum họp cùng gia đình vào những bữa cơm chiều đầu năm với chị đã là niềm vui. Do buôn bán liên tục nên chị Dung và nhiều bạn hàng khác không cần xem ngày, giờ khai trương, mà chỉ thắp vài nén nhang cùng một ít hoa quả thể hiện tấm lòng hướng đến các bậc siêu nhiên.

Với những cơ quan, công ty, xí nghiệp, tục khai trương vẫn được xem trọng, bởi đây là dịp để các thành viên trong tổ chức cùng ôn lại những kết quả hoạt động của năm cũ, động viên nhau phấn đấu, nỗ lực cho năm mới.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, nhiều đơn vị vẫn duy trì hoạt động khai trương trên tinh thần tiết kiệm, vui vẻ, góp phần tạo động lực để các cá nhân nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm mới.

Dù cuộc sống có bước phát triển nhưng khai trương vẫn là hoạt động quan trọng của người Việt dịp đầu năm.

Việc tổ chức hoạt động khai trương sao cho phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, tổ chức sẽ là động lực để đẩy mạnh việc sản xuất - kinh doanh hướng đến thắng lợi trong năm mới.

THANH TIẾN