Tưng bừng Lễ hội văn hóa ẩm thực dân gian và sản phẩm truyền thống

26/04/2019 - 07:37

 - Từ ngày 26 đến 28-4, tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) tưng bừng diễn ra Lễ hội văn hóa ẩm thực dân gian và sản phẩm truyền thống, kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Đây là lần đầu tiên Sở Công thương phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh và Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên tổ chức lễ hội này, nhằm giới thiệu văn hóa, sản phẩm đặc trưng của An Giang và đẩy mạnh hơn nữa sức tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, tạo sự ổn định lượng hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường năm 2019. Tham quan lễ hội, người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm làng nghề đặc trưng của tỉnh; sản phẩm nông sản và thực phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh, giá cả hợp lý và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn trong dịp mua sắm chào mừng lễ 30-4, 1-5.

Sản phẩm may mặc truyền thống tham gia quảng bá tại lễ hội

Tại khu trưng bày và bán sản phẩm ở Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên có khoảng 30 gian hàng, hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tham gia (bao gồm doanh nghiệp, cơ sở SXKD tham gia sự kiện tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên và thực hiện khuyến mại trực tiếp tại doanh nghiệp, cơ sở SXKD). Ban tổ chức hỗ trợ 70% chi phí thuê gian hàng cho doanh nghiệp, cơ sở SXKD tham gia sự kiện tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên.

Tham gia lễ hội có các sản phẩm truyền thống và trình diễn các mô hình làm ra sản phẩm truyền thống của tỉnh; trưng bày, bán sản phẩm hàng thực phẩm, đồ uống, các mặt hàng thiết yếu; nông sản, trái cây; thời trang, dệt may, giày dép; thủ công mỹ nghệ và quảng bá các dịch vụ: du lịch, nhà hàng, khách sạn... Nhiều sản phẩm truyền thống quen thuộc được trưng bày tại lễ hội như: dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, tơ lụa Tân Châu, gạo của Công ty TNHH Tín Thành ATC... Các sản phẩm nông sản: bưởi sấy, xoài sấy của Cơ sở Như Bình; trà xạ đen của Hộ kinh doanh Thiên Ngân; trà atiso đỏ, atiso đỏ sấy dẻo của Cơ sở SXKD Bảo Trang; cối đá của Cơ sở cối đá mi-ni; tinh dầu chúc, dưa lưới của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh; nấm linh chi của Cơ sở sản xuất chế biến nấm linh chi Tri Thức; quà lưu niệm bằng tăm tre và gỗ của Cơ cơ sở thủ công tăm tre; các sản phẩm may mặc của Công ty TNHH MTV may mặc Khang Anh... Các điểm bán sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại như: giảm giá (30-50% hoặc trên 50% tùy điều kiện của mỗi doanh nghiệp), tặng quà, rút thăm trúng thưởng, tặng phiếu mua sản phẩm của các doanh nghiệp có đăng ký tham gia khuyến mại...

Lễ hội góp phần quảng bá các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của An Giang

Anh Lê Hữu Thuận (Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh) cho biết: “Tham gia lễ hội, trung tâm đem đến nhiều sản phẩm, trong đó có sản phẩm tinh dầu chúc và dưa lưới. Tinh dầu chúc là sản phẩm đặc thù của An Giang, do vậy, trung tâm mong muốn quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh”. Không chỉ tham quan mua sắm, du khách còn được chiêm ngưỡng các nghệ nhân biểu diễn các công đoạn tạo ra thành phẩm, trình diễn mô hình như: lụa Tân Châu, dệt chăm Châu Phong, dệt Khmer Văn Giáo, tranh lá thốt nốt... Xem trình diễn mô hình làm ra sản phẩm đặc trưng của 4 dân tộc như: bánh xèo, bánh khọt, chè trôi nước, bánh tằm, gỏi... của dân tộc Kinh; món ăn của dân tộc Chăm: cơm nị và cà pụa, cà ri cá, bánh bò nướng, bánh Namparan…; món ăn của dân tộc Khmer: bánh canh Vĩnh Trung, bánh Ka-Tum, bánh bò thốt nốt…; món ăn của dân tộc Hoa: há cảo, bánh hẹ, chè trứng hột gà...

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Tăng cường vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan nhà nước trong hoạt động thương mại, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tăng cường hoạt động thương mại. Tạo điều kiện giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động SXKD, tích cực quảng bá sản phẩm, thương hiệu, nhất là các sản phẩm của tỉnh. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ hàng hóa tham gia thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, đảm bảo vệ sinh, giá cả hợp lý... đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khuyến khích người tiêu dùng mua sắm, đặc biệt là các hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, hấp dẫn; tiếp cận với các phương thức bán hàng tốt nhất, hình thức khuyến mại phong phú và được hưởng các quyền lợi của người tiêu dùng. Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường năm 2019.

Ông Lợi nhận định, sự kiện là ngày hội mua sắm của người tiêu dùng với các chương trình khuyến mại diễn ra sôi nổi, đồng loạt trên địa bàn tỉnh. Dù khuyến mại nhưng các điểm bán hàng đảm bảo chất lượng, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng hàng hết hạn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để khuyến mại. Các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở SXKD dành cho người tiêu dùng hấp dẫn, dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại; niêm yết đúng giá, đối với khuyến mại giảm giá khuyến khích doanh nghiệp giảm giá mạnh, thu hút người tiêu dùng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU