Tỷ phú... nông dân!

14/02/2018 - 01:11

 - Họ là những “hai lúa” miệt vườn, nhưng nhờ nhạy bén, không ngừng sáng tạo, tìm hướng đi mới cho mình nên đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất chịu ảnh hưởng gay gắt của phèn mỗi khi mùa khô đi qua.

Bắt đất phèn “đẻ” ra vàng

Từng là nông dân tiên phong lập nghiệp trên vùng kinh tế mới, còn gọi là vùng đất chết Lương An Trà, nơi nhiễm phèn nặng vào những năm 1993... ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức) ở ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà (Tri Tôn) quyết tâm chinh phục vùng đất miền núi Tri Tôn, bắt đất phèn phải “đẻ” ra vàng.

Tỷ phú nông dân Hai Thụ chia sẻ kinh nghiệm với nông dân

Với suy nghĩ sản xuất sản lượng lớn mới bán có giá và thu nhập cao, Sáu Đức tích tụ được 120ha đất sản xuất theo hướng cơ giới hóa. Trước nhu cầu cao về nguồn lúa giống, ông sử dụng toàn bộ diện tích sản xuất giống cung cấp cho bà con trong vùng và các tỉnh ĐBSCL. Năm 1996, ông thành lập Công ty TNHH MTV SD, cung cấp lúa giống bình quân 2.400 tấn/năm. Ông Sáu Đức còn ký hợp đồng với các hộ nông dân lân cận để thu mua lúa giống giá cao hơn thị trường từ 800 - 1.000 đồng/kg, giúp các hộ tăng thêm thu nhập từ 600.000 - 1 triệu đồng/ha. Sáu Đức chia sẻ: “Lượng phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ, lúa lừng, lúa lép quá nhiều. Sau khi tách hạt giống 300-400 tấn/năm mà đem đốt hoặc bỏ lãng phí, nên tôi có ý tưởng tận dụng phụ phẩm. Cuối năm 2013, tôi mạnh dạn thuê 71ha đầu tư thành lập trang trại nuôi bò sinh sản để tận dụng triệt để phụ phẩm từ sản xuất lúa”.

Ông Sáu Đức vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Hà Nội

Cũng lập nghiệp trên vùng đất phèn huyện Tri Tôn, nông dân Phan Văn Thụ (xã Tà Đảnh) trở thành tỷ phú, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 4.000 tấn lúa giống. Ông được vinh danh nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc, được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. Ông Thụ chia sẻ: “Là nông dân, tôi tự mày mò học hỏi. Năm 2000, vùng nguyên liệu 20ha lúa của tôi trở thành nơi sản xuất cung cấp giống cho Trung tâm Giống Bình Đức. Nhận thấy nhu cầu giống tăng cao, 3 anh em thành lập Tổ sản xuất giống và tự sản xuất, tiêu thụ sản lượng 40-50 tấn/năm. Tới năm 2006, phát triển lên thành Trang trại sản xuất lúa giống Hai Trường, sản xuất 13 loại lúa giống, mỗi năm tăng 30% doanh số, thị trường mở rộng hơn 50 đại lý khắp các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên, Đắk Lắk, lúa giống được xuất tiểu ngạch sang Campuchia. Năm 2010, thành lập Công ty TNHH MTV sản xuất lúa giống Hai Trường, cung cấp 8.000 tấn giống/năm. Năm 2015, thành lập thêm Công ty TNHH MTV sản xuất lúa giống Hai Thụ. Lượng giống bán mỗi năm tăng từ 1.500 tấn lên 4.000 tấn”.

Không phụ lòng người

Hiện nay, trang trại bò của ông Sáu Đức có gần 600 con bò cái sinh sản và 120 con bò đực nuôi vỗ béo. Từ năm 2015 đến nay, đàn bò sinh sản gần 600 con, áp dụng theo công nghệ cao, gieo tinh nhân tạo nhiều giống chất lượng tốt. Ông Sáu Đức chia sẻ: “Ngoài sản xuất lúa giống, bán bò giống và bò thịt, tôi thường xuyên lên mạng Internet tìm hiểu thông tin kinh tế thị trường. Thấy trái cây Việt Nam xuất khẩu tăng, tôi nghĩ vùng đất quê mình còn nhiễm phèn nặng không thể trồng được cây có múi, nên chọn chuối cấy mô là hướng đi đột phá để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhờ tỉnh hỗ trợ, tôi thuê được 71ha đất, đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi bò, trồng cỏ, trồng chuối, tràm, tạo mô hình khép kín. Sau khi thu hoạch chuối, thân chuối chế biến làm thức ăn cho bò, thu gom phân bò ủ thành phân hữu cơ bón cây chuối”.

Mô hình khép kín của tỷ phú nông dân Sáu Đức

Từ cách làm táo bạo, 2 năm nay, mỗi năm các trang trại của ông Sáu Đức đạt doanh thu trên 25 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng. Sáu Đức còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với thu nhập 3,6 - 4,6 triệu đồng/người/tháng. Sáu Đức còn tham vọng biến khu trang trại của mình trở thành khu du lịch sinh thái trong tương lai. Với những đóng góp trong phát triển kinh tế, ông Sáu Đức vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trở về Trang trại sản xuất lúa giống của Hai Thụ, ông Thụ cho biết: “Năm 2016 sản xuất 118ha, doanh thu gần 25 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 1,3 tỷ đồng. Năm 2017 tăng 136ha, đầu tư 2 máy sàng hạt, doanh thu tăng 28,5 tỷ đồng, lãi hơn 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 25 công nhân, vùng nguyên liệu mở rộng 4 huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn, diện tích hơn 100 ha/vụ. Nhờ uy tín chất lượng, lúa giống của Hai Thụ tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL. Hàng năm, trang trại tạo việc làm hơn 3.000 ngày công lao động”. Đặc biệt, mỗi ngày Hai Thụ tư vấn qua điện thoại cho hàng chục nông dân khắp các tỉnh, thành phố về kỹ thuật sản xuất lúa, cách phòng trừ sâu bệnh... Ông Thụ còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ nhân giống ở địa phương và hướng  dẫn cho hàng trăm nông dân trong vùng áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao trong từng mùa vụ.

HẠNH CHÂU