UBS: Căng thẳng địa chính trị sẽ tác động tăng trưởng kinh tế toàn cầu

21/11/2019 - 19:32

Theo UBS, tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chạm mức thấp nhất vào khoảng 3% trong quý 4-2019 và quý 1-2020, sau đó sẽ phục hồi và giữ đà tăng nhẹ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020.


Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 vừa công bố của Viện tài chính UBS (Thụy Sĩ), những căng thẳng địa chính trị, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, sẽ ngày càng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tâm lý của giới đầu tư trong năm 2020.

Báo cáo của UBS cho rằng, tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chạm mức thấp nhất vào khoảng 3% trong quý 4-2019 và quý 1-2020, sau đó sẽ phục hồi và giữ đà tăng nhẹ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020.

Báo cáo cho biết trong năm tới, giới đầu tư sẽ ngày càng lo ngại hơn về các căng thẳng địa chính trị hơn là những yếu tố về mặt kinh doanh.

UBS nhận định từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến các cuộc đàm phán thương mại và chính sách tài khóa, các lựa chọn chính trị sẽ có tác động định hình kết quả ngày càng nhiều.

Dù tăng trưởng chậm lại và lãi suất giảm, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những diễn biến tích cực trong 12 tháng qua. Nhưng UBS dự đoán thị trường chứng khoán sẽ trầm lắng trong năm 2020. Đặc biệt, chứng khoán Mỹ sẽ có nguy cơ bất ổn cao hơn khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.

Trên thị trường ngoại hối, đồng USD được dự đoán sẽ yếu đi trong năm tới do chính sách lãi suất và tăng trưởng giảm tốc của Mỹ, cũng như sự bất ổn trước thềm bầu cử và tác động từ thuế quan suy yếu dần. Vì vàng được định giá bằng đồng USD, nên “đồng bạc xanh” yếu hơn sẽ đẩy giá vàng đi lên.

Bên cạnh đó, sự bất ổn chính trị hiện tại và những lo ngại về kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Báo cáo lưu ý trong năm tới, sự bất ổn đối với các công ty phụ thuộc vào đầu tư và thương mại có thể sẽ tiếp tục gia tăng, khi hoạt động kinh doanh sẽ phụ thuộc nhiều vào các lựa chọn chính trị. UBS cũng chỉ ra rằng Brexit và đe dọa đánh thuế hàng châu Âu của Mỹ sẽ làm gia tăng xu hướng “đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa.”

Dù Trung Quốc và Mỹ đã có một số tiến triển hướng đến thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”, UBS hối thúc cần phải có cách tiếp cận mang tính hòa giải mạnh mẽ hơn nữa, kể cả sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Trước tình hình bất ổn như vậy, UBS cho rằng các nước và lĩnh vực có doanh thu phần lớn từ trong nước, cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn là đầu tư kinh doanh sẽ có hoạt động ổn định hơn.

Theo KHÁNH LY (TTXVN/Vietnam+)