Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Long Xuyên

12/12/2019 - 07:37

 - Từ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP. Long Xuyên tập trung chủ yếu ở 3 ngành hàng chủ lực (lúa, thủy sản, rau màu), 3 ngành hàng tiềm năng (cây ăn trái, nấm ăn, hoa kiểng) và ngành hàng duy trì ổn định (chăn nuôi). Bước đầu, địa phương đã tổ chức lại sản xuất từ nông hộ nhỏ, cá thể sang sản xuất liên kết, hợp tác song song với phát triển thị trường, đem lại hiệu quả cao trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Long Xuyên

Mô hình trồng dưa lưới phường Mỹ Hòa

Điển hình như vùng trồng rau an toàn ở ấp Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng), với 27 thành viên tham gia sản xuất trên 15ha, được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn; có 18 loại rau được chứng nhận. Mỗi ngày có từ 1-1,2 tấn rau được đưa ra thị trường, trong đó Công ty Phan Nam, siêu thị Co.op Mart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình thu mua 500-700kg, số còn lại được thương lái thu mua tại chỗ. Trên toàn thành phố, chuỗi liên kết tiêu thụ lúa Nhật với các công ty được tiếp tục duy trì. Năng suất bình quân 6,67 tấn/ha; giá bán lúa tươi từ 7.100- 7.300 đồng/kg, chênh lệch tăng so với lúa thường từ 2.200-2.500 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hộ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Quý bước đầu thử nghiệm, nông dân tự xay xát và bán lẻ trên thị trường, mang lại hiệu quả tích cực… Đối với vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, năm 2019 gieo trồng đạt 110,6% so kế hoạch (lúa giống tăng 32,8ha; lúa thơm tăng 109,1ha; lúa Nhật tăng 74ha). Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa, UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao kiểm soát lũ và đường cộ thuộc dự án “Cánh đồng lớn” tại phường Mỹ Thới, Mỹ Hòa và xã Mỹ Khánh, quy mô 1.081ha/6 tiểu vùng.

Theo UBND TP. Long Xuyên, các hoạt động hỗ trợ người dân thí điểm áp dụng giải pháp khoa học- kỹ thuật, công nghệ, công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất… đã góp phần cung cấp thông tin tham khảo có giá trị, khi người dân lựa chọn giải pháp công nghệ, tạo động lực thúc đẩy sản xuất NNUDCNC.  Công tác xây dựng, triển khai chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất NNUDCNC được quan tâm chú trọng; duy trì vốn hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân và các nguồn vốn vay khác. Nông dân được nâng cao trình độ kỹ thuật từ hoạt động khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, trình diễn mô hình, đào tạo nghề. Có thể thấy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các chính sách hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU bước đầu được người dân hưởng ứng thực hiện.

Tuy nhiên, còn đó nhiều hạn chế, bất cập về vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất… chưa có các mô hình trình diễn đúng nghĩa nên hiệu quả tuyên truyền, nhân rộng chưa cao. Đôi lúc, tư duy về NNUDCNC còn chưa nhất quán, chuyển biến nhận thức của nông dân về tự lực đầu tư phát triển sản xuất NNUDCNC còn chậm, còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước. Hiện nay, một số doanh nghiệp ngỏ ý đặt hàng, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm xuất khẩu (xoài cát chu, Hòa Lộc, rau an toàn, thủy sản nuôi theo chương trình VietGAP…). Để hợp tác, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được với công ty, doanh nghiệp, đòi hỏi nông dân phải đoàn kết, tập hợp lại và cử người đại diện mình theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, sản xuất lớn… có người đại diện nông dân theo pháp luật.

Đến năm 2020, TP. Long Xuyên phải đạt các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại theo tinh thần Nghị quyết 09, xác định lộ trình từng bước cụ thể cho nhiệm vụ phát triển NNUDCNC, gắn chặt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời gian tới; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất NNUDCNC, trong đó đẩy mạnh hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ cho các nhóm sản phẩm chủ lực. Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Phạm Thành Thái, để làm được điều đó, các ngành chức năng, phường, xã phải tiếp tục phát huy lợi thế đối với các ngành chủ lực, tiềm năng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án chuyển dịch đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái và hoàn thiện Đề án nông nghiệp đa mục tiêu trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi; tiếp tục hỗ trợ và mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và NNUDCNC.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH