Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

22/01/2018 - 01:14

 - Không chỉ ở An Giang mà việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp (NN) được xem là xu hướng chung của cả nước và thế giới. Đây được xem là thế kỷ CNSH, bước đột phá để xây dựng một nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình KH&CN về phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đã chọn tạo được một số giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, việc triển khai sưu tập, nhân giống một số cây dược liệu quý hiếm phục vụ bảo tồn và phát triển vùng dược liệu tại Bảy Núi mang lại nhiều kết quả khả quan...

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Trương Kiến Thọ, từ những định hướng của chương trình, sở đã giao nhiệm vụ thường xuyên cho 2 đơn vị trực thuộc: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm CNSH An Giang là đơn vị chủ lực tạo nên những sản phẩm, những quy trình, ứng dụng trong CNSH phục vụ cho NN ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, năm 2017 đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, giúp cán bộ kỹ thuật các ngành, một số địa phương tiếp cận, nắm bắt kỹ thuật mới...

Thời gian qua, Trung tâm CNSH An Giang với nhiệm vụ nghiên cứu phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH trên nhiều lĩnh vực: từ giống cây trồng, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững... Theo đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong NN, nhất là chọn tạo được giống cây trồng (hoa kiểng, cây ăn trái, dược liệu), vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Điển hình, bên cạnh những mô hình trồng cúc truyền thống, Trung tâm CNSH An Giang đã triển khai mô hình trồng cúc chậu theo công nghệ mới với 2 giống cúc pha lê và đại đóa. “Cây giống trồng hoàn toàn là cây sạch bệnh và được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ưu điểm là đạt độ đồng đều cao, nhân giống với số lượng lớn trong thời gian ngắn, chống chịu sâu bệnh tốt...” - Phó Giám đốc Trung tâm CNSH An Giang Nguyễn Hoài Vững thông tin.

Bên cạnh việc chuyển giao giống, trung tâm còn hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, nhất là việc bổ sung ánh sáng nhằm điều khiển cây ra hoa đúng dịp Tết, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Sự thành công của mô hình trồng cúc của trung tâm còn đánh dấu một bước tiến mới trong sản xuất hoa kiểng, tạo ra sản phẩm cúc mới lạ và phương pháp trồng mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Với mong muốn phát triển mô hình cải tạo giống bò cái nền chất lượng,  hiệu quả cho địa phương, Trung tâm CNSH An Giang đã xây dựng mô hình lai tạo giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng bò tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới, Phú Tân. Qua đó, giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả của công tác lai tạo giống thông qua gieo tinh nhân tạo. Ngoài ra, trung tâm còn tạo ra các sản phẩm phục vụ chăn nuôi như: kẹo dinh dưỡng, rơm ủ Urea... nhằm cung cấp Nitơ phi Protein, cung cấp năng lượng, muối khoáng, Vitamin, Can-xi... cần thiết cho gia súc.

Năm 2018, Trung tâm CNSH An Giang được UBND tỉnh giao thực hiện một số đề tài, dự án cấp tỉnh: xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của huyện Tịnh Biên; thử nghiệm mô hình trồng cam xoàn theo hướng VietGAP ứng dụng hệ thống tưới tự động tại huyện An Phú... góp phần phát triển các nhóm sản phẩm NN ứng dụng CNC của tỉnh. Đây là tiền đề giúp việc ứng dụng CNSH trong NN ngày càng hoàn chỉnh, mang tính bền vững, phát huy nội lực vốn có ở các địa phương.

Tại Hội thảo định hướng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Thọ nhấn mạnh: “Việc phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh, Trung tâm CNSH phải đóng vai trò chủ lực trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao đến người dân. Bên cạnh đó, việc phát triển cần phải tập trung, tránh dàn trải và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 hiện nay, muốn phát triển KHCN, đặc biệt là lĩnh vực CNSH nhất thiết cần sự hợp tác quốc tế...”.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Việc phát triển CNSH giúp chọn tạo được một số giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp nông dân tăng thêm thu nhập

ÁNH NGUYÊN