Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục

15/11/2019 - 08:17

 - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin còn góp phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục

Các trường học ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị hiện đại phục vụ quản lý, giảng dạy

Đến nay, có 100% cán bộ, công chức ngành GD&ĐT sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ công vụ (tên miền gov, edu); việc khai thác tài nguyên trên các trang tin của Bộ GD&ĐT được thực hiện thường xuyên. Hệ thống các phần mềm quản lý do sở đầu tư hoặc do bộ triển khai đang được khai thác khá hiệu quả, như: phần mềm quản lý thiết bị, quản lý tài sản; hệ thống quản lý thông tin giáo dục; hệ thống quản lý và điều hành văn bản trên môi trường mạng; hệ thống phần mềm quản lý thư viện trực tuyến; hệ thống phần mềm quản lý tài sản, quản lý thiết bị, quản lý nhân sự...

Các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giảng dạy, như: quản lý học sinh, phiếu liên lạc điện tử, ngân hàng đề thi và ứng dụng kiểm tra khách quan, e-learning… Sở GD&ĐT còn phát động phong trào tự nghiên cứu, tự học để nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên. Qua đó, xây dựng và bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, chuyên trách về công nghệ thông tin để tổ chức các lớp tập huấn cho toàn thể giáo viên các trường, cơ sở GD&ĐT. 

Sở GD&ĐT đang phối hợp Trường Đại học An Giang hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành cùng các công cụ để khai thác, phục vụ công tác quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động chung của ngành GD&ĐT tỉnh. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lý Thanh Tú cho biết, Sở GD&ĐT đang phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, đây là công việc rất quan trọng. Bước đầu đã tổ chức nghiệm thu và yêu cầu đơn vị chủ trì (Trường Đại học An Giang) chỉnh sửa để hoàn thiện, chuyển giao sử dụng. Việc xây dựng “ngôi nhà chung” về cơ sở dữ liệu này sẽ rất thuận lợi để tổng hợp những thông tin hữu ích có liên quan đến hoạt động của ngành. Cơ sở dữ liệu dùng chung được xem là giải pháp an toàn để ngành thường xuyên nâng cấp và quản lý dữ liệu đảm bảo an toàn…

Cùng với đó, Sở GD&ĐT triển khai ứng dụng phần mềm EMIS vào công tác quản lý viên chức ngành giáo dục. Đồng thời, triển khai ứng dụng các phần mềm quản lý số liệu phổ cập giáo dục-xóa mù chữ, phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành giáo dục. Xây dựng Cổng thông tin điện tử của phòng GD&ĐT và các cổng thành phần của các Trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non để kịp thời cung cấp thông tin của ngành… Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã kết nối và sử dụng internet; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành giáo dục và quản lý học sinh được tích cực triển khai, giúp nhà trường, phụ huynh học sinh kịp thời nắm bắt tình hình học tập của học sinh.

Về nhân lực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), toàn tỉnh có Trường Đại học An Giang (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Trường Cao đẳng Nghề An Giang giảng dạy chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, lực lượng sinh viên tại An Giang học chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học ở TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... cung cấp nhân lực cho phát triển công nghệ thông tin của tỉnh. Từ năm 2001-2018, tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Trường Đại học An Giang, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Trường Trung cấp nghề là 3.272 sinh viên. Trong đó, có 40% làm việc tại An Giang, 60% đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Ngoài ra, toàn tỉnh có 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

HỮU HUYNH