Ứng phó lũ lên nhanh

20/09/2019 - 06:43

 - Dự báo năm nay, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 ở mức cao hơn báo động (BĐ) 1 từ 0,1-0,2m. Như vậy, đỉnh lũ xuất hiện sớm hơn và cao hơn so với nhận định trước đó, cho thấy diễn biến lũ vẫn còn phức tạp, khó lường.

Bất ngờ với con nước

Gần hết tháng 7 (âm lịch) năm nay, mực nước trên các sông, kênh, rạch vẫn rất thấp, chưa chịu “nhảy khỏi bờ” như thông lệ mùa nước nổi nhiều năm qua, nhiều người bi quan nhận định không có lũ. Tuy nhiên, bước sang tháng 8 âm lịch, nước bất ngờ lên rất nhanh. “Tôi thấy có những ngày lên cả tấc nước. Chỉ trong vòng chưa tới 10 ngày, nước đã tràn bờ đê, ngập đồng ruộng lênh láng. Diễn biến lũ đúng là khó lường” - ông Trần Văn Khánh (xã Phú Hữu, An Phú) nhận xét.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Podul nên những ngày cuối tháng 8-2019, trên lưu vực sông Mekong đã xảy ra mưa to trên diện rộng, một số trạm chính khu vực trung lưu từ hạ Lào đến Bắc Campuchia đã xuất hiện lũ với đỉnh lũ khá cao. Tại Pakse, mực nước đạt 13,75m vào ngày 5-9, Stung Treng là 12m (ngày 6-9), Kratie là 22,73m (ngày 9-9). “Hiện nay, mực nước các trạm trên sông Mekong đang xuống chậm nhưng khu vực trung và hạ lưu sông Mekong vẫn cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,3-2,3m” - ông Ninh thông tin.

Ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, từ giữa tháng 8 chịu ảnh hưởng của thủy triều và lên chậm, mực nước ở mức thấp hơn TBNN từ 1-2m. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 8, mực nước bắt đầu lên dần, có thời điểm lên nhanh với biên độ nước lên trong đợt này tại Khánh An 2,7m, Châu Đốc 1,8m, Tân Châu 2,1m. Mực nước cao nhất ngày 17-9 trên sông Hậu tại Khánh An là 4,42m, Châu Đốc 3,07m (trên BĐ1 0,07m), trên sông Tiền tại Tân Châu 3,63m (trên BĐ1 là 0,13m).

Ở khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước lên nhanh trong những ngày giữa tháng 9 nhưng vẫn còn dưới BĐ1 từ 0,25-0,5m. Trong khi đó, ở vùng hạ lưu, trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới và trên sông Hậu tại Long Xuyên mực nước ở mức dưới BĐ3 từ 0,12-0,27m.

Ứng phó lũ lên nhanh

Mực nước vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên đang tiếp tục lên

Không được chủ quan

Ông Lưu Văn Ninh cho biết, những ngày qua, mưa diễn ra trên diện rộng, lượng mưa 24 giờ phổ biến từ 20-40mm. Do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có vị trí qua khu vực giữa Nam Bộ - Nam Trung Bộ còn duy trì và gió mùa Tây Nam hoạt động nên trong những ngày tới, mưa giông vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu về chiều tối và đêm.

Mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm trong 1-2 ngày đầu, sau đó xuống chậm. Đến ngày 25-9, do ảnh hưởng đợt triều cường cuối tháng 8 (âm lịch) với đỉnh triều khá cao, mực nước trên các sông, kênh sẽ bắt đầu lên lại. Mực nước cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức trên BĐ1 từ 0,1-0,2m (BĐ1 tại Tân Châu là 3,5m, Châu Đốc 3m), thời gian xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, sau đó mực nước sẽ xuống dần. Ở khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm ở mức xấp xỉ BĐ1, thời gian xuất hiện vào đầu tháng 10. Còn ở vùng hạ lưu, mực nước cao nhất năm trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới ở mức 2,7-2.,9m (cách BĐ3 từ 0,1-0,3m), trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức 2,4-2,6 (xấp xỉ và trên BĐ3 0,1m), thời gian xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Dù nhận định đỉnh lũ vùng đầu nguồn chỉ cao hơn BĐ1 không nhiều, vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên xấp xỉ BĐ1 nhưng không loại trừ khả năng có những đợt nước lên nhanh, xuất hiện lũ kép (lũ kèm triều cường, mưa bão). Trong khi đó, mực nước vùng hạ lưu sông duy trì ở mức rất cao (xấp xỉ BĐ3), khả năng gây ngập lụt những vùng sản xuất lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản, những vùng đê bao xung yếu khu vực Phú Tân, Chợ Mới, Long Xuyên, Châu Thành… là rất lớn, cần chủ động ứng phó.

Năm nay, dù dự báo lũ nhỏ nhưng nước vẫn tràn đồng, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sản xuất kiểu mạo hiểm, ăn nhanh trước lũ. Thay vào đó, vẫn tiến hành xả lũ 90.000ha theo kế hoạch của ngành nông nghiệp (gồm xả lũ, không xuống giống vụ thu đông ở 26.000ha của 34 tiểu vùng 3 vụ và cho lũ vào đồng 64.000ha ở các tiểu vùng đê bao tháng 8, vùng giáp biên giới). Thay vào đó, người dân có thể khai thác thủy sản, triển khai các mô hình nuôi trồng mùa nước nổi.

Một vấn đề khác cũng cần xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó từ thời điểm này là khả năng gia tăng sạt lở sau lũ, khả năng xâm nhập mặn sớm và thiếu hụt nước tưới vụ đông xuân 2019-2020.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN