Ứng phó thời tiết phức tạp

08/06/2018 - 07:24

 - Mới đầu mùa mưa, hơn 150 căn nhà đã bị sập, tốc mái, xiêu vẹo, sản xuất (SX) vụ hè thu bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương cùng người dân cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, không chủ quan với thiên tai nguy hiểm.

Ảnh hưởng thời tiết cực đoan

Hầu hết các nơi trên địa bàn An Giang chuyển sang mùa mưa thì hiện tượng mưa giông kèm tố, lốc xuất hiện thường xuyên hơn. Liên tục từ giữa đến cuối tháng 5, mưa lớn kèm theo giông, lốc đã gây thiệt hại nhà cửa, ảnh hưởng SX, tập trung ở các địa phương: Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, An Phú và Tri Tôn.

Đến ngày 20-5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 điểm sụp, lún, sạt lở (SL) đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài SL 545m, ảnh hưởng 11 căn nhà. Mưa, giông lốc đã làm sập, tốc mái, xiêu vẹo 152 căn nhà (Chợ Mới 40 căn, Phú Tân 94 căn, Châu Phú: 18 căn), thiệt hại một số cơ sở hạ tầng và tài sản của người dân trên địa bàn.

Người dân không nên ra đường khi xuất hiện mưa to, gió lớn

Người dân không nên ra đường khi xuất hiện mưa to, gió lớn

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lưu Văn Ninh cho biết, trong tháng 6, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động và ổn định dần. 10 ngày đầu tháng, rãnh áp thấp xích đạo ở phía Nam nâng dần trục lên phía Bắc và hoạt động mạnh lên, cùng với hoạt động mạnh lên của rãnh áp thấp xích đạo và gió mùa Tây Nam thì những nhiễu động trên Biển Đông hoạt động mạnh dần.

Sáng 5-6, áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, mạnh lên thành bão (cơn bão số 2). Từ ngày 11-6, rãnh áp thấp Tây Bắc - Đông Nam vắt qua giữa Biển Đông, trường gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh chi phối khu vực Nam Bộ.

Do vậy, những ngày đầu tháng 6, thời tiết trên địa bàn An Giang tiếp tục có mưa, mưa rào và giông nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to, trong cơn giông còn kèm theo gió giật mạnh, lốc xoáy. Những ngày còn lại, có mưa rải rác nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, trong cơn giông khả năng còn kèm theo gió giật mạnh.

Khẩn trương ứng phó

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã có công văn đề nghị BCH PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố phổ biến đến Nhân dân thực hiện một số biện pháp chủ động phòng, tránh hiệu quả đối với các loại hình thiên tai nguy hiểm như: mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá, SL đất… BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân vùng sâu, vùng xa để chủ động phòng tránh.

 Để đề phòng giông gió, lốc xoáy, người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa. Đối với nhà ở nơi trống trải lợp bằng lá, tole, fibro xi-măng, ngói, có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng tre, gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy. Cần chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây gần nhà ở, lưới điện…

Khi xuất hiện gió giật mạnh, mây đen, sấm, chớp, người dân cần lập tức tìm nơi tránh trú an toàn, không đi lại ngoài đường hoặc trú mưa dưới gốc cây to đề phòng giông, lốc xoáy, sét đánh rất nguy hiểm.

 BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu BCH PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, thông báo rộng rãi về diễn biến SL đất bờ sông, kênh, rạch trên hệ thống thông tin của địa phương; tăng cường công tác vận động, khuyến cáo người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực cảnh báo SL, phối hợp các ngành chức năng cắm biển báo, khuyến cáo người dân không lui tới, sinh hoạt trong phạm vi nguy hiểm và hạn chế tàu thuyền qua lại, neo đậu trong khu vực cảnh báo nguy hiểm SL…

Sau khi xảy ra giông, lốc, sét, mưa đá và SL đất, BCH PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN

 

Liên kết hữu ích