Ứng phó xâm nhập mặn

29/03/2019 - 07:55

 - Nhờ tỉnh Kiên Giang tiến hành đắp đê ngăn mặn ở các cửa sông chính nên góp phần hạn chế nước mặn xâm nhập qua vùng giáp ranh với An Giang. Tuy nhiên, khả năng xâm nhập mặn vào các tuyến kênh nhánh, kênh nhỏ vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Còn nhiều nỗi lo

Canh tác 3ha lúa cặp kênh Xã Diễu (khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang), từng chứng kiến ảnh hưởng của đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016 nên ông Nguyễn Văn Việt (nông dân xã Bình Thành, Thoại Sơn) không khỏi lo lắng trước diễn biến thời tiết năm nay. “Nắng nóng gay gắt từ Tết Nguyên đán đến nay, chỉ thấy xuất hiện vài cơn mưa nhỏ, mực nước thường xuyên xuống thấp, giống với tình hình năm 2016. Tuy nước mặn chưa xâm nhập vô kênh Xã Diễu nhưng thấy con nước hay bị đứng, tôi hơi lo. Vài tuần nữa thu hoạch lúa đông xuân xong, tôi sẽ theo dõi kỹ tình hình thời tiết, thủy văn, xuống giống vụ hè thu theo khuyến cáo lịch thời vụ né rầy, né hạn, mặn của cơ quan chức năng” - ông Việt chia sẻ. Nông dân này cho biết, vụ hè thu tới và các vụ tiếp theo, ông đang cân nhắc sử dụng 2 giống lúa mới là OM18 và OM9577, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Thoại Sơn) cung cấp. “Qua tham khảo, tôi biết đây là 2 giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chuyển giao bản quyền cho Tập đoàn Lộc Trời sản xuất - kinh doanh. Đặc tính của giống OM18 và OM9577 là chịu được độ mặn tới 3-4‰ mà hạt gạo vẫn thon dài, trong, mềm cơm, dễ bán. Thường thì độ mặn nếu có xâm nhập cũng không vượt quá 2‰ nên trồng 2 giống lúa mới này yên tâm hơn” - ông Việt phân tích.

Mực nước các tuyến kênh ở Thoại Sơn thường xuyên xuống thấp

Chung nỗi lo như nông dân huyện Thoại Sơn, nông dân Tri Tôn ở khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang cũng ái ngại khi thấy mực nước nhiều tuyến kênh xuống thấp. “Hiện nay, dòng nước kênh Vĩnh Tế vẫn chảy về hướng Kiên Giang nên nước mặn chưa xâm nhập. Tuy  nhiên, nhiều thời điểm tôi thấy nước chảy rất yếu, có lúc dường như ngưng không chảy. Nếu dòng nước chảy ngược từ hướng Kiên Giang trở vào An Giang sẽ rất nguy hiểm. Ngoài nỗi lo xâm nhập mặn, những nông dân đã thu hoạch xong lúa đông xuân, xuống giống sớm vụ hè thu đang vất vả bơm nước vào ruộng bởi mực nước dưới kênh thấp. Do vùng này sản xuất 2 vụ nên bà con tranh thủ làm vụ hè thu sớm, phòng khi lũ về bất ngờ như năm rồi” - nông dân Trần Văn Đán (xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) bộc bạch.

Tập trung theo dõi

Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư tại hội nghị ngày 8-3-2019, các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên đã hoàn thành phê duyệt phương án chống hạn, xâm nhập mặn và phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn An Giang đã thực hiện quan trắc độ mặn theo nhiệm vụ được giao. Về lâu dài, đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất thiết lập hệ thống quan trắc trực tuyến (online) trên địa bàn tỉnh, nhằm cảnh báo sớm khi phát hiện có độ mặn.

Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, độ mặn cao nhất vùng cửa sông Kiên Giang khả năng xuất hiện vào khoảng tháng 4 đến tháng 5-2019. Độ mặn sẽ xâm nhập vào vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Kiên Giang - An Giang qua hệ thống kênh nhánh, tại các khu vực chưa có hệ thống cống, đập ngăn mặn. Độ mặn cao nhất tại 2 huyện Thoại Sơn và Tri Tôn có khả năng cao hơn năm 2018. Tại huyện Thoại Sơn, nước mặn có khả năng đi sâu vào các xã: Bình Thành, Thoại Giang, Vọng Thê và thị trấn Óc Eo. Tại huyện Tri Tôn, các xã có khả năng bị ảnh hưởng là Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Ô Lâm và Tân Tuyến. BCH PCTT&TKCN tỉnh đã dự phòng kinh phí 2,7 tỷ đồng để xây dựng khoảng 20 đập tạm phòng, chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, bảo vệ 7.400ha lúa ở Thoại Sơn và Tri Tôn. Đồng thời, dự phòng 48,7 tỷ đồng xây dựng 22 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khi hạn, mặn xảy ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, huyện đã dự phòng phương án xây dựng khoảng 26 đập tạm phòng, chống xâm nhập mặn ở vị trí đầu các tuyến kênh vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang, quyết tâm bảo vệ thu hoạch vụ đông xuân và phục vụ sản xuất lúa, màu vụ hè thu 2019.

“Tại các kênh, rạch có khả năng bị nhiễm mặn, các địa phương cần lưu ý và khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước. Theo đó, tăng cường bơm khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào, hạn chế bơm khi dòng nước trong kênh, rạch có thời gian ngưng chảy kéo dài và không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào” - BCH PCTT&TKCN tỉnh lưu ý.

 

NGÔ CHUẨN