Ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực

18/01/2019 - 07:29

 - Ngày 5-1-2019, UBND tỉnh có Quyết định số 16-QĐ/UBND về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Đây là cơ sở để xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp được hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang. Việc ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm chủ lực sẽ góp phần khai thác thế mạnh nông nghiệp của tỉnh.

Phát triển theo hướng chất lượng cao

Theo Quyết định số 16-QĐ/UBND, lúa, gạo vẫn là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh dành sự ưu tiên đầu tư vào 80.000ha lúa, nếp chất lượng cao (chiếm khoảng 32% diện tích canh tác lúa, nếp toàn tỉnh). Với diện tích này, sản lượng lúa, nếp chất lượng cao đạt trên 500.000 tấn/vụ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị cao hơn cho ngành hàng lúa, gạo. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên phát triển vùng chuyên canh nếp Phú Tân (diện tích 10.000ha), vùng lúa Jasmine (diện tích 20.000ha), lúa Nhật (Japonica, diện tích 6.000ha), lúa Nàng Nhen hữu cơ (diện tích 250ha). Đối với ngành hàng rau màu, ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu 5.100ha. Trong khi đó, diện tích cây ăn trái sẽ tập trung vào 500ha diện tích trồng xoài VietGap, 2.900ha chuối cấy mô.

Vùng nguyên liệu chuối cấy mô ở Tri Tôn

 Trong lĩnh vực chăn nuôi, những sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: heo nuôi thịt với số lượng xuất bán 100.000 con/năm, heo cái làm giống với số lượng xuất bán 40.000 con/năm, đàn bò sữa 5.000 con. Đối với ngành hàng gia cầm, phấn đấu đạt sản lượng xuất bán 360 triệu quả trứng vịt/năm.

Ưu tiên chất lượng con giống

Trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, cá tra được xác định là một trong những ngành hàng thế mạnh, được quan tâm phát triển. Đối với cá tra thương phẩm, trong diện tích quy hoạch nuôi 1.000ha, có ít nhất 90% diện tích nuôi có liên kết; 90% cơ sở/vùng nuôi thương phẩm có địa điểm sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh; 90% cơ sở/vùng nuôi thương phẩm phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; 60% doanh nghiệp chế biến thủy sản có vùng nuôi và gắn kết với các cơ sở nuôi theo chuỗi liên kết; 90% cơ sở sản xuất giống thủy sản đủ điều kiện sản xuất, cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đối với cá tra giống chất lượng cao, tập trung vào diện tích 350ha (diện tích ương toàn tỉnh 900ha) với sản lượng khoảng 1 tỷ con giống.

 Đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực còn lại là ngành hàng tôm càng xanh, tỉnh tập trung vào con giống với sản lượng từ 1 - 1,2 tỷ ấu trùng, 20 triệu con Postlarvae mỗi năm. Đây không chỉ là nguồn cung cấp giống tôm càng xanh cho An Giang mà còn phục vụ nhu cầu cho các tỉnh ĐBSCL.

Thời gian qua, An Giang đã nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực cá tra giống công nghệ cao và giống tôm càng xanh toàn đực, được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Dự án đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với quy mô 600ha tại xã Bình Phú (Châu Phú), chủ đầu tư là Công ty Nam Việt Bình Phú, vừa được khởi công thực hiện. Cũng tại huyện Châu Phú, Công ty Lộc Kim Chi đang khẩn trương triển khai Dự án đầu tư vùng sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao với quy mô 350ha ở xã Mỹ Phú. Trong khi đó, Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc đã đạt được những hiệu quả đáng kể đối với Dự án đầu tư vùng sản xuất giống cá tra công nghệ cao quy mô 150ha tại cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang xúc tiến Dự án đầu tư vùng sản xuất giống cá tra công nghệ cao diện tích 50ha tại cồn Vĩnh Hòa - nơi được xem là lý tưởng để cá tra sinh sản tự nhiên.

Đạt được nhiều thành công khi mở rộng đầu tư sang lĩnh vực liên kết nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, Tập đoàn Sao Mai không bỏ qua cơ hội tham gia Đề án cá tra 3 cấp của tỉnh khi quyết định triển khai Dự án đầu tư vùng sản xuất giống cá tra công nghệ cao kết hợp Trung tâm Kiểm nghiệm di truyền chọn giống cá tra, quy mô 80ha tại xã Vĩnh Trạch (Thoại Sơn).

Tiếp đà thành công với việc hợp tác sản xuất và cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực tại An Giang, Tập đoàn Tiran (Israel) quyết định triển khai Dự án đầu tư vùng sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, quy mô 4ha tại xã Vĩnh Bình (Châu Thành)…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm, với những dự án công nghệ cao triển vọng, An Giang kỳ vọng sẽ là tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL chứng nhận các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực thủy sản với dòng sản phẩm chất lượng cao là giống tôm càng xanh toàn đực và con giống cá tra (2 đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh).

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN