Uy thiêng Gò Tháp

03/06/2018 - 16:07

Chúng tôi về Khu Di Tích ( KDT) Lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Gò Tháp ( tọa lạc tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) trong cái nắng oi ả tháng 5. Điều rất ngạc nhiên là thời tiết không mấy thuận lợi nhưng dòng xe từ các địa phương xuôi về đây rất nhiều.

A A

Dừng chân bên khu lăng mộ ông Nguyễn Tấn Kiều (Đốc Binh Kiều) mát dịu dưới những hàng cây sao có trên trăm năm tuổi, ông Hà Hoàng, du khách đến từ TPHCM cho biết: “Tôi rất thích không gian trầm mặc, u uất, cổ kính pha lẫn nét huyền bí tại đây. Đến đây sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái như muốn tìm về với cội nguồn của cha ông xưa đi mở cõi”.


Đường vào KDT Gò Tháp

KDT Gò Tháp cách thị xã Cao Lãnh về hướng đông bắc 43 km, cách thị trấn Tháp Mười khoảng 10 km về hướng Bắc, du khách có thể đến tham quan từ nhiều con đường khác nhau như: TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. KDT nầy đã được Bộ VHTT và DL công nhận năm 1998. Đáng chú ý là các nhà khảo cổ đã đến đây khai quật nhiều lần di chỉ Gò Tháp vào các năm 1984, 1993 và đã phát hiện nhiều di vật của nền văn hóa Óc Eo dưới lòng đất cát pha sét, có niên đại cách đây trên 1.500 năm. Các hiện vật tìm thấy được như: tượng thần Hindu, Vishinu, Ganesa, Shiva và các mẫu vật sành sứ, ấm chén, khuôn chế tác nữ trang; mộ táng bảy lớp và chín lớp bằng gạch kết dính có hoa văn tám cánh thể hiện bốn phương, tám hướng trùng khớp theo la bàn tạo ra sự bí ẩn chưa được khám phá. Có một số cọc gỗ chìm dưới lớp đất 2 đến 3m. Người ta cho rằng đó là dấu vết nhà sàn của một cụm dân cư cổ sống trong vùng rốn lũ, mà Gò Tháp là nơi tập trung hiện được trưng bày tại bảo tàng Đồng Tháp để phục vụ du khách.


Đền Thờ Võ Duy Dương ( Thiên Hộ Dương)

Nhiều du khách nhận xét:  KDT Gò Tháp vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên hào phóng ban tặng với môi trường sinh thái còn mang nhiều nét hoang sơ. Nơi đây có nhiều giồng cát quanh co như lượn sóng với chiều dài gần 500m, ngang 200m, tạo thành cụm gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ như trôm, gáo, sao, dầu, thao lao… sừng sững tỏa bóng thâm u. Và có lẽ chính địa hình nầy đã là nguyên cớ để vùng đất nầy có tên là Gò Tháp cho đến nay.

Hiện tại, KDT Gò Tháp có 5 di tích tiêu biểu: Gò Tháp Mười; tháp Cổ Tự; mộ và đền thờ anh hùng Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương); mộ và đền thờ anh hùng Đốc binh Kiều; gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ.   

Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Gò Tháp Mười từng là căn cứ của các cơ quan kháng chiến ở Nam bộ, Khu 8, trường Quân chính khu 8...   Cách Gò Tháp Mười 100 m về phía Bắc là chùa Tháp Linh Cổ Tự, tương truyền rằng đã có từ đời Thiệu Trị (1841-1847), xa xưa là ngôi tháp thờ các vị thần của Hindu giáo. Sau một thời gian hoang phế bởi chiến tranh loạn lạc, ngày nay ngôi chùa cổ này đã được trùng tu lại. Tháp Linh Cổ Tự trông hoành tráng uy nghi với kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các đình chùa Việt Nam qua những tượng Phật, và các hoa văn, họa tiết trang trí...  

Ở khoảng giữa Gò Tháp Mười và Tháp Linh Cổ Tự có miếu Hoàng Cô, theo dân gian địa phương, miếu này thờ bà Nguyễn Phúc Hồng Nga là em gái của vua Gia Long. Phía sau miếu có ngôi mộ của Hoàng Cô, núm mộ được dân chúng đắp bằng những viên đá trứng bằng nắm tay vun cao lên. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn còn đang trong quá trình tìm hiểu về lịch sử cũng như mộ táng của vị công chúa nầy.


Phù Điêu 2 ông Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều ( Đốc Binh Kiều)

Hằng năm, tại KDT Gò Tháp diễn ra hai kỳ lễ hội dân gian truyền thống: vía Bà Chúa Xứ (15 tháng 3 âm lịch) và lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (15 tháng 11 âm lịch) thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hành hương về đây để thưởng ngoạn sinh hoạt văn hóa “học trò lễ”, “nhạc lễ”, “múa lân sư rồng” và cùng đắm mình trong không gian một thời của vương quốc Phù Nam huyền thoại với nền văn minh Óc Eo.

Theo PHAN THỊ ANH THƯ (thuonghieuvaphapluat.vn)