Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

08/10/2019 - 16:34

 - Trước khi có Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang có đến 108/120 xã nông thôn đạt dưới 5 tiêu chí (90%). Hiện, An Giang có 54/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và cuối năm 2019 sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn, tăng 48 xã so với giai đoạn 2011-2015 và hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng (XD) NTM sớm hơn 1 năm so với lộ trình Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu miền Tây về XD NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2010-2015, không còn xã dưới 7 tiêu chí. 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình XD NTM, là huyện Thoại Sơn, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương và đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cao phát triển sản xuất hiệu quả từ nông thôn mới.

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Huy động sức dân đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn.

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trao bằng công nhận nông thôn mới xã Long Kiến

Vai trò của tổ chức Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở An Giang

Những tuyến đường hoa nông thôn tuyệt đẹp.

Không chạy theo thành tích, phong trào

An Giang luôn nhận thức rõ XD NTM có ý nghĩa rất quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: "Quan điểm Đảng bộ tỉnh lấy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, củng cố an ninh-quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình XD NTM. Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể, nhưng phải đúng chủ trương; tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của người dân và điều kiện cụ thể của địa phương".

Chính vì thế, để cụ thể hóa và đưa chủ trương của Trung ương vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, XD NTM theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết: An Giang rất chú trọng và nỗ lực chỉ đạo, hỗ trợ để các xã sớm về đích trong XD NTM. Tỉnh đã chọn những bước đi, giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với xuất phát điểm của địa phương là chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa phương khác.

Trong chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, nhiệt huyết; phải sâu sát, năng nổ, tận tụy, phải động viên khích lệ cho cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc. Phân công từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách chỉ đạo huyện và từng đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách 1 xã trong XD NTM. Mỗi cán bộ từ xã đến các ấp, từ Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể ai cũng phải là những tuyên truyền viên trong XD NTM. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đến các cấp, nếu thiếu nhiệt huyết, lơ là trách nhiệm đều bị kiểm điểm. Thực tiễn cho thấy, với cách làm trên vừa nâng cao vai trò trách nhiệm, vừa tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị cùng người dân nông thôn vào cuộc, chung tay XD NTM.

Trong điều hành, tỉnh chọn bước đi giải pháp tối ưu nhất phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương: chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân rộng; chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư XD NTM trước mắt và lâu dài.

Đảng bộ An Giang triển khai XD NTM với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, An Giang phát huy nội lực trong dân, huy động nguồn lực XD NTM. 10 năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực XD NTM gần 15.000 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp 1.897 tỷ đồng (12,82%), vốn nhân dân đóng góp 1.478 tỷ đồng (9,99%), vốn huy động khác 22,5 tỷ đồng (1,52%).

Đáng trân quý, tỉnh đã huy động từ cộng đồng dân cư gần 927 tỷ tiền mặt; đóng góp trên 78.226 ngày công lao động để xây dựng cầu, làm đường giao thông nông thôn, cất nhà Tình nghĩa… (quy đổi thành tiền hơn 273 tỷ đồng); hiến gần 243 triệu m­­2 đất ở, đất sản xuất nhằm phục vụ cho các công trình NTM (quy đổi thành tiền 274 tỷ đồng); và vật tư quy đổi thành tiền 184 tỷ đồng.

Nhiều mô hình hay, sáng tạo

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã thật sự thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các xã khó khăn, xã dân tộc, xã biên giới; đời sống người dân được nâng cao, tạo ra một diện mạo nông thôn mới hiện đại, văn minh; giải quyết được những vấn đề cấp thiết liên quan mật thiết tới đời sống người dân, đó là đường-trường-điện-trạm và các thiết chế văn hóa, làm nền tảng cho phát triển.

Từ nhiều cách làm sáng tạo, quá trình XD NTM, đã xuất hiện hàng ngàn mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình: “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”, hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp; “Hội Mái ấm Tình thương”; “Bếp ăn tình thương”, “Đội thiện nguyện xây dựng cầu”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” gắn với tiêu chí an ninh trật tự được giữ vững, “Camera giám sát an ninh trật tự”... Đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn nhằm xóa cầu tre, cầu khỉ, cầu gỗ tạm...

 Xuất phát từ cách làm sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn, sau đó được các địa phương nhân rộng, vận động doanh nghiệp và người dân hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây dựng, lương thực nấu ăn cho lực lượng xây dựng; vận động người dân thành lập đội tình nguyện hiến công xây dựng cầu... Từ đó, hàng ngàn câu cầu giao thông nông thôn ở An Giang chi phí xây dựng chỉ bằng một nửa thuê các doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo chất lượng.     

Kết quả NTM củng cố niềm tin của dân với Đảng, chính quyền

Qua 10 năm XD NTM, nông nghiệp An Giang phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được xây dựng, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng; cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc.

Hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển quy mô và chất lượng, mạng lưới trường lớp được đầu tư rộng khắp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường, lao động được giải quyết việc làm ổn định hằng năm. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khó khăn được cải thiện. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 40,7 triệu đồng/người/năm, tăng 13,15 triệu đồng so năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,34%/năm.

54 xã NTM là thành công lớn của Đảng bộ và nhân dân An Giang; phản ánh đúng thực chất, là cả quá trình nỗ lực phấn đấu, thể hiện qua sự quyết tâm và đoàn kết trong nội bộ Đảng và cả hệ thống chính trị, quan trọng hơn hết là sự đồng tình, ủng hộ, chung tay góp sức của người dân. Qua đó, uy tín và niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng vững chắc hơn.

Phát huy vai trò của tổ chức Đảng

Với quan điểm: XD NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Đảng bộ tỉnh xác định XD NTM nhằm phát triển toàn diện nông thôn An Giang, đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong phát triển giữa thành thị và nông thôn. Do đó yêu cầu từng cấp, từng ngành phải không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới cách làm; phát huy tính năng động, sáng tạo, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ. Hướng đến mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp thịnh vượng, bền vững.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu có 14 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, bình quân các xã đạt 15,5 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên. Giai đoạn 2021-2025 thêm 28 xã đạt NTM; huyện Chợ Mới và Châu Thành đạt huyện NTM.

Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân, Đảng bộ tỉnh đúc kết 6 kinh nghiệm, đề ra 9 giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên trong xây dựng và giữ vững kết quả NTM thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. An Giang tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát. Tăng cường xã hội hóa, vận động nâng chất các công trình giao thông... bứt phá về đích, hoàn thành chỉ tiêu NTM sớm hơn lộ trình.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU