Vãn cảnh Bảy Núi dịp rằm tháng Giêng

02/03/2018 - 01:15

 - Theo truyền thống Phật giáo, rằm tháng Giêng (rằm Thượng Ngươn) là ngày lễ lớn, có ý nghĩa nhất trong năm. Không riêng gì phật tử, nhiều người dân cùng nhau về vùng Bảy Núi đi chùa, lễ Phật cầu gia đạo bình an và thưởng ngoạn cảnh sắc núi non hùng vĩ, độc đáo nơi đây.

Trong dãy Thất Sơn, núi Cấm (hay còn gọi là Thiên Cấm sơn) nổi lên thật hùng vĩ, gắn liền với truyền thuyết hấp dẫn, nhiều ngôi chùa cổ kính, linh thiêng.

Với chiều cao 716m so với mặt nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, thảm thực vật phong phú, 4 mùa cây trái xanh tươi, cảnh sắc tuyệt đẹp. Vồ Bồ Hong, chùa Vạn Linh có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát… trở thành biểu tượng của núi Cấm.

Phía đối diện có chùa Phật lớn, bảo tháp Xá lợi và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m. Trong tiếng kinh kệ, du khách dường như quên hết những xô bồ, lo toan của cuộc sống được tĩnh tâm, thư thái với cảnh chùa chốn non cao…

Ngoài chùa Vạn Linh, chùa Phật lớn, núi Cấm còn được biết đến với nhiều chùa, miếu, am, động, hang: chùa Phật nhỏ, vồ Thiên Tuế, điện Bò Hong, sân Tiên… gắn liền với nhiều truyền thuyết bí ẩn, hấp dẫn.

 Nằm ở vồ Bà, chùa Phật nhỏ (Thất Bửu tự - chùa Sân Tiên) trên núi Cấm là nơi xuất gia của Ni trưởng Thích Diệu Thông (nguyên mẫu Ni cô Huyền Trang, trong phim "Biệt động Sài Gòn"), với tục danh Phạm Thị Bạch Liên. Chùa có nơi nghỉ tạm qua đêm cho hàng trăm du khách thập phương, có nước sinh hoạt đầy đủ mùa khô.

Với quan niệm “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, tạm gác bao công việc còn bề bộn, từ mấy năm nay, thời điểm sau Tết, trước ngày rằm tháng Giêng là anh Nguyễn Thành Trung đều dành thời gian cùng gia đình đến An Giang chơi, đặc biệt là vùng Bảy Núi.

“Năm nào cũng vậy, không riêng gì gia đình tôi, mà nhiều người cũng chọn các ngôi chùa trên núi của An Giang để lễ Phật vào dịp rằm này. Người ở quê, Tết thường ở nhà sum vầy bên gia đình, nhiều lắm thì đi thăm nhà bà con dòng họ, ít đi chơi xa nên rằm tháng Giêng là dịp đưa ba mẹ, vợ con đến núi Cấm, núi Két, núi Sam... Trước là đi chùa, lễ Phật cầu bình an cho gia đình, sẵn dịp tham quan, ngắm cảnh núi non hùng vĩ độc nhất vô nhị ở An Giang” - anh Trung chia sẻ.

Ngoài núi Cấm, các khu vực núi Két, núi Trà Sư, núi Cô Tô... với phong cảnh đẹp như tranh vẽ thu hút du khách và người hành hương đến chiêm bái, thưởng ngoạn.

Cùng nằm trong dãy Thất Sơn, ngọn núi Anh Vũ sơn gắn liền vùng đất Thới Sơn xưa và nay. Với công khai phá và lập 2 làng Xuân Sơn và Hưng Thới, cụ Đoàn Minh Huyên - Phật thầy Tây An được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh kính trọng.

Hàng năm, vào ngày giỗ của cụ, mọi người đều thành tâm về cúng bái, bày tỏ lòng tôn kính. Bên cạnh đó, nằm trong 3 cụm núi Trà Sư, Ngũ Hồ sơn, Anh Vũ sơn đã tạo cho thị trấn Nhà Bàng và xã Thới Sơn (Tịnh Biên) luôn sung túc từ dịch vụ, phục vụ du khách tham quan, nhất là trong các dịp rằm và lễ hội truyền thống.

Ngoài ra, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền và đình Thới Sơn cũng do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là căn cứ cách mạng, tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh chính trị, cơ sở cất giấu vũ khí, nuôi chứa cán bộ. Do vậy, chùa Thới Sơn đã được công nhận Di tích lịch sử - cách mạng.

Du khách và người hành hương đến Bảy Núi dịp rằm tháng Giêng còn thưởng ngoạn phong cảnh núi Tượng và núi Nước (thị trấn Ba Chúc), núi Cô Tô (xã Núi Tô); ngược về Thoại Sơn thì có núi Ba Thê, núi Sập...

 

Vãn cảnh Bảy Núi dịp rằm tháng Giêng

Vãn cảnh Bảy Núi dịp rằm tháng Giêng

Vãn cảnh Bảy Núi dịp rằm tháng Giêng

Quang cảnh hấp dẫn, thú vị thu hút đông đảo du khách, người hành hương.

ÁNH NGUYÊN