Văn hóa đọc ngày nay

20/04/2018 - 06:59

 - Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là “chìa khóa vạn năng” mở cửa trí tuệ và tâm hồn con người. Có thể nói, sách là người bạn lớn của mỗi chúng ta, và đọc sách từ lâu đã trở thành nhu cầu cần thiết của xã hội loài người. Từ đọc sách, sưu tầm sách đến xây dựng tủ sách, xây dựng thư viện là các bước hình thành văn hóa (VH) đọc

Trong xã hội ngày nay, VH đọc sách đang đứng trước cơ hội và nguy cơ. Cơ hội ở chỗ, trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều loại hình sách (sách đọc, sách nói) được số hóa, con người dễ dàng tiếp cận cùng lúc nhiều loại sách khác nhau. Tuy nhiên, nguy cơ chính là ngoài sách, con người còn tiếp cận thông tin qua nhiều kênh như: truyền hình, phát thanh, phim ảnh, Internet... Các phương tiện nghe nhìn hấp dẫn hơn sách, nên có nhiều ưu thế hơn, và thực tế đang có xu hướng cạnh tranh lấn át VH đọc.

Nếu trước đây, đọc sách là thú vui, thói quen của rất nhiều người thì ngày nay thói quen ấy đang có nguy cơ bị may một. Dễ nhận thấy nhất là khi vào các nhà sách, thư viện, có rất ít người đến đọc sách, nhất là giới trẻ. Thế nhưng, người trẻ lại thích giao tiếp với nhau trên mạng Internet, trò chuyện trên “thế giới ảo”, nhắn tin qua Facebook, Zalo… và bằng ngôn ngữ “teen” rất lạ lẫm mà người lớn cũng khó hiểu! Thử quan sát một nhóm bạn trẻ ngồi ở quán, cả giờ đồng hồ chẳng nói với nhau câu nào, nếu cần thiết phải trả lời thì họ cũng chỉ nói vài câu nhưng không cần nhìn nhau mà cứ dán mắt vào chiếc Smartphone và ngón tay “bấm bấm” liên tục như một phản xạ tự nhiên… Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, với kiểu giao tiếp trên không gian “ảo” sẽ làm cho con người “xa nhau” hơn, ít động não, lười suy nghĩ, thậm chí dẫn đến chứng bệnh “tự kỷ” hoặc phải cai nghiện!

Tất nhiên, đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, sinh viên, học sinh... đọc sách vẫn là công việc bắt buộc, thường xuyên. Bởi, nếu thiếu sách sẽ rất khó để có được chuyên môn tốt, một khối lượng kiến thức đủ rộng để phục vụ công việc. Có nhiều lợi ích do đọc sách mang lại, như: kích thích tinh thần, giảm căng thẳng, làm giàu kiến thức, vốn từ được mở rộng, cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tư duy và phân tích, cải thiện sự tập trung, nâng cao khả năng viết, tạo sự bình yên trong tâm hồn… Tôi có người bạn rất đam mê sách. Thỉnh thoảng tôi cùng anh ghé qua mấy hiệu sách cũ để tìm vài quyển sách “gối đầu giường”. Quả thật, sách ngày nay nhiều vô kể, nhưng để tìm lại được những quyển sách hay thì không dễ chút nào!

Thế nên, đọc sách vẫn là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của nó. Đó là một cách thưởng thức VH sang trọng và có chiều sâu, là phương pháp tốt nhất để làm giàu vốn ngôn từ, nâng tầm hiểu biết của con người… Nhận thức tầm quan trọng của VH đọc, Chính phủ chọn ngày 21-4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển tri thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

“Ngày sách Việt Nam” là sự kiện VH quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đồng thời, còn là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Qua đó, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với việc xây dựng và phát triển VH đọc ở Việt Nam.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH