Văn hóa đúng giờ

07/05/2019 - 08:06

 - Học tập Bác Hồ không chỉ về các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mà còn cả các hành vi, việc làm, phong cách lãnh đạo và sinh hoạt của Bác, nổi bật là tác phong nhanh nhẹn, sâu sát quần chúng, luôn gần dân, trọng dân, hết lòng vì nhân dân. Bác Hồ từng nhắn nhủ: “Tôi khuyên anh em hãy làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Mỗi chúng ta, ai cũng được chia đều 24 giờ để sống và làm việc mỗi ngày. Ai biết tận dụng quỹ thời gian quý báu của mình, đó là chìa khóa dẫn đến thành công. Ngược lại, tác phong xuề xòa, qua loa, làm việc gì cũng chờ đợi chỉ khiến bản thân chậm hơn so với mọi người. Sự chậm trễ ấy không chỉ về mặt thời gian, mà chậm ở đây là về cơ hội, về sự nghiệp, cuộc đời. Thực tế ngày nay không ai lạ lẫm với 3 chữ “giờ dây thun”. Có lẽ, chưa bao giờ cụm từ đó lại xuất hiện nhiều trong xã hội chúng ta đang sống đến vậy. Phải chăng đó là biểu hiện của việc không xem trọng thời gian, để “giờ dây thun” hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống mỗi chúng ta. Nào là ở những lớp học, những sự kiện quan trọng, những buổi hội họp, lễ hội… đã bao giờ bạn phải chờ đợi một ai đó? Bạn nghĩ thế nào khi sự chờ đợi cứ tiếp diễn liên tục và không có biểu hiện khắc phục? Nếu thấy khó chịu thì đừng để người khác có cảm giác như vậy về mình, cách duy nhất chỉ có thể là “đúng giờ”.

Trở lại tác phong đúng giờ của Bác, có thể thấy có rất nhiều mẫu chuyện của việc xem trọng thời gian của Người nếu đặt trong xã hội ngày nay chưa bao giờ “lạc hậu”. Ngược lại, đó là những bài học vô cùng đắt giá, đáng để mỗi người chúng ta học hỏi và noi theo. Như trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn 15 phút, vì mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”. Một mẫu chuyện khác, có lần Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: chú đến chậm mấy phút? Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ! - người cán bộ đáp. “Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây” - Bác nói. Thế mới thấy, Bác Hồ là vị lãnh tụ quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Thế nên, Bác không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

Văn hóa đúng giờ

Tác phong đúng giờ cần được rèn luyện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Văn hóa đúng giờ

Từ những mẫu chuyện nhỏ về Bác, có thể thấy, đúng giờ chính là văn hóa, nó giúp đôi bên bắt đầu câu chuyện, công việc trong tâm trạng vui vẻ, thoải mái vì không phải chờ đợi. Song, đúng giờ với Bác còn được hiểu là sự chủ động và nó lúc nào cũng được hoạch định trước những phương án của sự “lỡ như”. Có nghĩa là, nếu không muốn trễ giờ, chúng ta phải dự trù mọi tình huống có thể xảy ra, nó khiến ta có thể không đến đúng giờ để lên phương án chủ động cho bản thân. Song, văn hóa đúng giờ không phải tự thân mà nên. Đó là cả quá trình rèn luyện lâu dài. Có thể do cha mẹ giáo dục từ nhỏ và cũng do bản thân tự điều chỉnh khi đã thấy tác hại của việc trễ giờ. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lần trễ nhưng quan trọng là nhận ra và khắc phục như thế nào, chứ không phải bằng lời hứa. 

Phải thẳng thắn nhìn nhận, thói quen không đúng giờ hay “giờ dây thun” xuất hiện nhiều ở giới trẻ ngày nay. Có thể, các bạn nghĩ trễ một chút không sao, chậm một tý có gì to tát, khi các bạn đang mãi mê với lý lẽ của mình thì nhiều người đồng trang lứa đã thành công vì tác phong đúng giờ. Hại trước mắt của trễ là ở chúng ta. Vì trễ mà không tiếp thu trọn vẹn kiến thức thầy cô truyền đạt, không chủ động tìm được cơ hội cho bản thân. Tất nhiên, có người vẫn nghĩ, đến trễ thì mới nổi bật, được mọi người chú ý. Không, đó chỉ là lý do của đi trễ và thực tế, những người trễ giờ khiến người khác rất khó chịu. Thiết nghĩ, trong môi trường sư phạm, thói quen đúng giờ cần phải phát huy nhiều hơn vì đó là nơi “trồng người”; còn với cán bộ, công chức, đúng giờ phải được đặt lên hàng đầu. Việc đúng giờ không chỉ tạo nên uy tín cho bản thân, mà còn để người dân khỏi phiền lòng vì chờ đợi. Vậy nên, hãy học Bác từ những việc nhỏ nhất và luôn quý trọng thời gian dù là của mình hay của người khác!

PHƯƠNG LAN