Vay tiền không trả, bỏ trốn

08/05/2018 - 06:36

 - Một lãnh đạo xã bị tố cáo mượn tiền, vay “nóng” rồi không trả. Khi bị thưa ra tòa, người mượn nợ thỏa thuận cam kết thanh toán, nhưng sau đó không thực hiện rồi đi khỏi địa phương, tài sản không còn hoặc đã sang nhượng cho người khác.

Bà Nguyễn Thị Phượng Nguyên trình bày vụ việc

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Phượng Nguyên (sinh năm 1960, ngụ ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn,  An Giang) bức xúc: “Tôi là cô giáo của con ông Q.P.V, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành. Là chỗ quen biết, ông V. nhiều lần gợi ý vay tiền của tôi để trị bệnh cho cha vợ. Vợ, chồng tôi đồng ý. Ngày 1-5-2013, tôi giao cho ông Vinh số tiền 20 triệu đồng, 3 ngày sau đưa thêm 30 triệu đồng.

Đến ngày 18-11-2013, chúng tôi đã đưa cho ông tổng cộng 180 triệu đồng. Các lần giao, nhận tiền, ông V. đều làm hợp đồng vay đúng theo quy định của pháp luật. Lúc đầu, ông trả lãi đầy đủ, nhưng đến tháng 11-2013 lại nói “kẹt tiền quá” nên nhờ vay thêm 30 triệu đồng.

Tháng 12-2013, ông vay thêm 10 triệu đồng, hứa sẽ trả ngay sau đó. Đến thời điểm này, tôi đã giao tổng cộng 220 triệu đồng. Sau đó, ông nói kẹt tiền, lần lữa hứa hẹn, tìm cách né tránh việc trả tiền. Vợ, chồng tôi khiếu nại, đến tận nhà, ông hứa hẹn trả nhưng vẫn không thực hiện.

Chịu hết nổi, tôi khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thoại Sơn. Ngày 9-7-2015, tại TAND huyện, ông V. cam kết đến ngày 15-11-2015 sẽ trả dứt nợ cho tôi. Không ngờ, để thực hiện ý đồ trốn tránh trách nhiệm trả nợ, ông đã lần lượt chuyển quyền sử dụng 2 mảnh đất thổ cư (diện tích gần 140m2, tọa lạc thị trấn Núi Sập) và 425m2 đất sử dụng lâu dài (nơi ông V. làm lãnh đạo) cho em vợ.

Bị chúng tôi nhiều lần đòi nợ, ông V. tìm cách lánh mặt, cuối cùng đi khỏi địa phương. Vợ, chồng tôi khiếu nại rất nhiều nơi, đến nay vụ việc vẫn chưa được xem xét, giải quyết trả lại số tiền trên”.

Về việc này, Đảng ủy xã Bình Thành cho biết: “Không chỉ hộ bà Nguyên mà còn một số người dân khác làm đơn khiếu nại bị cán bộ V. mượn tiền, vay “nóng” rồi không trả như đã cam kết. Chúng tôi đã mời những người liên quan làm việc.

Cán bộ này hứa sẽ thanh toán nợ, khắc phục sự việc nhưng sau đó không thực hiện. Về việc cán bộ V. mượn, vay tiền với ai, số lượng bao nhiêu, hình thức như thế nào chúng tôi chưa nắm rõ. Tuy nhiên, hành vi trên đã ảnh hưởng đến địa phương. Chúng tôi đã xử lý cán bộ này bằng hình thức cho thôi việc”.

Nhận định vụ việc, Luật sư Trần Ngọc Bản, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang cho biết: “Cho vay làm hợp đồng là cần thiết, nhưng không nên vội vàng quá đặt nặng niềm tin. Khi giao dịch, giao tiền, ngoài việc cần tìm hiểu về đối tượng cho vay, người cho vay phải xem xét các động thái bất thường để kịp thời xử lý.

Khi thấy người vay không “mạnh khỏe”, cần phải có biện pháp bảo vệ tiền, không nên bổ sung số tiền vay. Thấy đối tượng cố tình chiếm đoạt tài sản, khổ chủ cần báo cáo ngay đến nơi người đó làm việc, cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí làm đơn khởi kiện ra tòa án.

Cùng với việc này, rất cần làm thủ tục theo quy định để cơ quan chức năng, TAND thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Kết quả nhiều vụ án liên quan đến chiếm đoạt tài sản vừa qua cho thấy, việc không thi hành được bản án, quyết định thỏa thuận do tài sản người bị thi hành án không còn, hoặc đã chuyền quyền sử dụng cho người khác là một minh chứng”.

Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thoại Sơn cho biết: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận ngày 9-7-2015 của TAND huyện Thoại Sơn giữa ông Q.P.V và bà Nguyễn Thị Phượng Nguyên có hiệu lực pháp luật, không có kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, về phía ông V. không có tài sản thi hành và bản thân đã đi khỏi địa phương.

Cơ quan Thi hành án Dân sự thực hiện các bước theo quy định, đề nghị phía bà Nguyên nếu phát hiện tài sản của ông V., hoặc biết có tài sản nên báo ngay để chúng tôi xử lý. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mời bà Nguyên đến trụ sở làm việc để ghi nhận yêu cầu, thực hiện các biện pháp cần thiết, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: N.R

 

Liên kết hữu ích