Vẻ đẹp Tây Bắc qua sắc thu vàng

19/08/2019 - 20:06

Đến với xứ sở Tây Bắc vào mùa nào cũng đẹp vì bốn mùa tiết trời mát mẻ, trong lành và hoa thơm trái ngọt. Mùa này, sắc vàng của Tây Bắc hấp dẫn du khách trên những cung đường dài. Đây cũng là thời điểm các địa phương khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng.

Hấp dẫn những cung đường mùa thu

Tây Bắc mùa này có nhiều nơi để đến, những địa danh đẹp đến mê hồn nhờ sắc vàng của mùa hoa trái, của lúa đang phô diễn dưới cái hanh hao của sắc thu. Đó là địa danh nổi tiếng vùng Tây Bắc như Tú Lệ, Mù Cang Chải, Suối Giàng, Mường Lò (Yên Bái), Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý (Lào Cai), Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La)....

Khung cảnh Tây Bắc vào mùa thu đẹp như một bức họa.  

Chọn cung đường Yên Bái- Tú Lệ- Mù Cang Chải là sự lựa chọn sáng suốt cho những ai đam mê cảnh sắc vùng cao. Các địa danh La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Khao Mang vào mùa này trong hương sắc mạ non khiến khung cảnh đẹp đến nao lòng. Những triền ruộng bậc thang nép mình bên những sườn núi cao sừng sững và những cánh đồng ở vùng thấp choán ngợp màu xanh lá mạ. Đó là sắc màu đặc trưng của ruộng đồng ở xứ Mù sau mùa nước đổ. Cây lúa đã bén rễ, xanh tốt, báo hiệu mùa màng bội thu.

Không khí lễ hội với điệu xòe Nghĩa Lộ, rượu thóc Tú Lệ, thú nhảy dù ruộng bậc thang dưới chân núi Khau Phạ khiến du khách không cảm thấy thất vọng khi lựa chọn hướng phượt này. Ngược lên Mù Cang Chải, dù lần đầu hay đã nhiều lần đến đây vào này ai cũng phải thảng thốt rằng kì quan ruộng bậc thang nơi đây mới tuyệt đẹp và lộng lẫy sắc vào đến nhường nào. Đi sâu vào La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì cả một thiên đường ruộng bậc thang mượt mà, diễm lệ mở ra trước mắt.

Nếu muốn có cảm giác được tận hưởng cái lạnh đến thấu da thịt thì bạn nên chọn cung đường Sa Pa, nơi trời đất giao hòa, sương núi chờn vờn, khí trời mát lạnh. Mùa này, Sa Pa đẹp đến mê hồn với sắc vàng của ruộng bậc thang hòa vào sắc màu thổ cẩm nơi chợ phiên. Thú nhất khi đến Sa Pa là ban ngày leo lên đỉnh núi Hàm Rồng để ngắm biển mây bồng bềnh dưới thung lũng, đi xe máy vào trong những bản làng. Tối về ngâm mình trong thùng nước lá thuốc của người Dao để lấy lại cảm giác nhẹ nhõm và thưởng thức món cá hồi nướng.

Mùa thu về, hoa tam giác mạch nở khắp núi rừng.

Nếu chọn điểm đến là Hà Giang, nơi địa đầu của đất nước, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước bạt ngàn hoa tam giác mạch. Loài hoa được chính bàn tay mềm mại của đồng bào Mông trồng trên những triền núi. Rồi ngược lên Hoàng Su Phì để ngắm sóng lúa ruộng bậc thang đang miên man sắc vàng, lên Đồng Văn du ngoạn cao nguyên đá…Mùa này, Hà Giang tiết trời mát mẻ, buổi tối có cảm giác se lạnh.

Vào mùa thu, sơn tra Tây Bắc chín vàng 

Mùa của hoa thơm trái ngọt

Tây Bắc mùa này còn vàng tươi bởi hoa trái. Đây là thời điểm bắt đầu mùa hoa cải, một loài hoa của người Mông mang đến sắc vàng rực khắp triền non. Có gì thú vị hơn khi dạo bước trên con đường mòn giữa những vạt cải nương đang bung nở những nụ hoa mỏng manh. Núi đồi Tây Bắc sau nhiều ngày mang trên mình màu áo xanh mỡ màng của cải nương thì giờ choàng lên màu vàng của tấm áo mới. Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa cải, mùa hoa mang sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa thu.

Thu về nơi miền Tây Bắc xa xôi, hương vị thơm lựng của những trái sơn tra khiến cho không gian thêm đậm sắc màu. Ở Tú Lệ, Sa Pa, Mù Cang Chải, đồng bào Mông lên núi hái những quả sơn tra vàng óng ả, cho vào gùi mang xuống bán tại chợ phiên. Một thứ quả đặc sản chỉ có ở miền sơn cước này.

Đậm đà ẩm thực

Cơm lam, đặc sản của người vùng cao Tây Bắc vào mỗi độ thu về.

Trên cung đường Tây Bắc, bạn khỏi lo về ăn ngủ. Bởi dù chọn hướng đi nào, bạn cũng có thể yên tâm. Tây Bắc có những đặc sản đậm đà dư vị, thưởng thức dù chỉ một lần mà day dứt mãi không quên. Nào lợn cắp nách, nào cá suối nướng, nào gà đen rang gừng, thịt trâu sấy gác bếp, thịt lợn hun khói rồi cả những nồi thắng cố ngựa nghi ngút khói giữa chợ phiên…Nhấp chén rượu ngô thơm nồng khiến cho lòng người ấm áp biết bao nhiêu giữa hành trình thăm thú miền Tây. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa hồng, tự tay mình nướng những món ăn vừa lạ vừa thơm ngon để thưởng thức.

Dọc hành trình, khi trời tối, bạn có thể dừng chân nơi bản làng, ngủ trọ trên những căn nhà sàn thơ mộng bên ven suối và được đồng bào tiếp đón nồng hậu. Và có thể bất chợt gặp một khách sạn nhỏ xinh dưới chân núi giữa tán rừng xanh rồi ngả mình sau một chặng đi dài. Trong chập chờn giấc ngủ, tựa hồ vẫn lắng nghe được tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót trong đêm và cả tiếng gà rừng eo óc. Hoang sơ và trong lành đến vậy.

Phát triển du lịch homestay

Hiện nay, có khá nhiều điểm du lịch làng bản phát triển dịch vụ homestay. Dịch vụ homestay sẽ đáp ứng các nhu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, giới thiệu các điểm du lịch, tư vấn và trang bị những thiết bị cần thiết để du khách tiếp tục cuộc hành trình.

Dịch vụ homestay được cư dân bản địa tổ chức ngay tại các bản làng để phục vụ du khách.

Dịch vụ homestay ở vùng cao thường gắn với bản làng. Có những bản làng nằm trọn dưới thung lũng như ở Bản Lác (Mai Châu- Hòa Bình) nhưng cũng có những bản làng nằm chon von, chênh vênh trên núi cao ở ở Mèo Vạc (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái). Vì thế, khi phát triển dịch vụ homestay, các địa phương đã rất chú ý đến đặc thù từng vùng để phát triển sao cho phù hợp.

Đây là kiểu dịch vụ du lịch được thực hiện ngay tại chỗ, tại địa điểm du lịch, tại nơi du khách dừng chân nhằm tạo một không gian thân thiện, gần gũi để du khách nghỉ ngơi trong hành trình du lịch khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mọi miền. Khác với những khách sạn, nhà nghỉ đồ sộ nơi trung tâm, dịch vụ homestay mang tính chất làng bản, cộng đồng và được du khách rất hứng thú sử dụng.

Nhiều địa phương đã tạo ra nơi nghỉ dưỡng homestay rất bản sắc với những khu nhà sàn, nhà trình tường với nhiều kiểu dáng vừa lạ, vừa thú vị. Tại đây, với những căn phòng gỗ thoáng mát, xinh xắn và thân thiện, du khách có thể nghỉ chân, nghỉ qua đêm với một giá cả rất hợp lý và vừa lòng. Mỗi du khách chỉ cần chi trả 60-80 ngàn đồng cho một đêm ngủ tại bản làng, còn ăn uống thì tùy theo nhu cầu.

Tại các bản làng vùng cao Tây Bắc, người bản địa phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ việc ăn nghỉ cho khách ngay tại nhà sàn trong bản. Những món ăn đậm đà dư vị như vịt lam, cá suối, măng rừng, thịt lợn cắp nách, thịt trâu gác bếp, rượu ngô luôn hấp dẫn du khách mỗi khi họ dừng chân.

Hành trình du lịch giữa mùa thu vàng Tây Bắc là hành trình khám phá vẻ đẹp của non nước Việt Nam, mang đến cho con người những trải nghiệm ý nghĩa về những tiềm năng du lịch của đất nước và đây cũng là cơ hội để các địa phương phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác những tiềm năng sẵn có.

Theo NGUYỄN THẾ LƯỢNG (Đảng Cộng sản Việt Nam)