Vì cái đẹp chung, cần lắm sự tự giác của mỗi người

09/07/2019 - 07:48

 - Nói đến làm từ thiện, có rất nhiều việc được người dân tích cực tham gia, những hành động nhỏ, bình thường nhưng thiết thực tạo sự lan tỏa không ngừng. Tấm lòng của người dân góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, nhưng đáng tiếc, đôi khi người tiếp nhận chưa đáp trả bằng hành động đẹp tương xứng.

Trong lễ đạo của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở huyện Phú Tân, các món ăn, đồ uống miễn phí là một đặc trưng và tạo ấn tượng đẹp với du khách đến từ phương xa. Từ các điểm tập trung do nhiều tín đồ thực hiện đến hộ nhỏ lẻ đều tích cực phục vụ cho bất kỳ người đi đường nào. Người lớn, trẻ nhỏ không ngại mệt nhọc, nắng nóng chuẩn bị sẵn những ổ bánh mì, hộp bún, trà đường vô bọc, nước suối đóng chai… đứng bên lề đường phát cho khách hành hương. Hành động đẹp của người dân “xứ đạo” được đông đảo người dân khen ngợi, trân trọng.

Dù vậy, đâu đó vẫn có những “hạt sạn” làm ảnh hưởng đến cái đẹp chung, đó là nhiều người đi lễ chỉ vì mục đích tò mò, ham vui và để tận hưởng tất cả những gì mang tên “miễn phí”. Đáp lại nghĩa cử đẹp của “người cho”, vương vãi bên lề đường, mọi lối đi trong không gian lễ là đồ ăn bỏ dở, hộp cơm, túi trà chưa được uống quá nửa, góp vào những loại rác khác tạo hình ảnh không đẹp và sự lãng phí. Cũng nói về lễ này, để đảm bảo trật tự trong khu vực chùa An Hòa và Tổ đình, lực lượng công an lập chốt chặn yêu cầu khách hành hương đi bộ, ngoại trừ người dân có nhà trong khu vực này và những người thuộc ban tổ chức được chạy xe vào. Quy định là vậy, song vẫn có nhiều người cố tình xin, giải thích đủ lý do vì không muốn gửi xe. Mỗi trường hợp xảy ra, dù kết quả vẫn phải chấp hành nhưng đều góp phần mất thời gian, ách tắc dòng người đi bộ đông đúc.

Ở một diễn biến khác, ngay tại khu vực phà, nhân viên được huy động tối đa để phục vụ các bến trong thời gian cao điểm diễn ra lễ. Một số hành khách cố ý chạy vào lối đi của xe ôtô và chạy thẳng… xuống phà, mặc cho nhân viên nhắc nhở phải mua vé, có lúc quá đông người, nhân viên chỉ biết chạy theo gọi trong “vô vọng”, vì phải soát vé hàng trăm người đang chờ nối đuôi ở phía sau. Biết mình sai, nhiều người vẫn không quay lại, tự nói và… cười trừ, trong ánh mắt khó chịu của những người xung quanh. “Ở chỗ khác lại, không rành đi đò, lỡ rồi… biết sao!”. Đã đặt chân đến “xứ đạo”, trong sự niềm nở hiếu khách và chào đón bằng những hành động đẹp của bà con địa phương, mong sao du khách phương xa đáp lại bằng ý thức và hành động đẹp tương xứng.

Một nhà cơm từ thiện ở TP. Long Xuyên (xin giấu tên) cho biết, nhà cơm mở ra chủ yếu phục vụ cho người bệnh và thân nhân nuôi bệnh, nguồn đóng góp chủ yếu từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để duy trì hoạt động. Nhà cơm không phân biệt đối tượng, thành phần như thế nào, ai có nhu cầu, muốn bao nhiêu phần cũng được. Duy có điều phiền lòng là thỉnh thoảng có người xách theo thùng nhựa lớn đến xin cả chục kg cơm trắng. “Thường những trường hợp như vậy, chúng tôi hỏi xin làm gì đến chục kg thì họ không nói và bỏ đi. Ở đây không phân biệt, bà con cần là sẵn sàng cho nhưng phải đúng mục đích, không thể tạo tiền lệ hễ ai thấy miễn phí thì đến xin”. Ông T.P. (một người dân ở huyện Châu Phú) có nhiều năm gắn bó với việc từ thiện, đặc biệt là đặt thùng nước miễn phí dọc tuyến đường dân cư nơi ông sinh sống. Trước đây, ông T.P. trang bị thùng nước có nắp, người đi đường “xin nước” sẽ tự múc uống. Sau này thấy bất tiện, lo ngại việc vệ sinh không đảm bảo, ông mua thùng nước đóng sẵn đặt trên kệ để sạch sẽ hơn. Mỗi thùng nước trị giá 12.000 đồng do ông hợp đồng dài hạn với cơ sở cung cấp. Nhưng việc này áp dụng chưa được bao lâu, thì lâu lâu lại bị mất thùng nước lẫn ghế đỡ. Ông P. nghĩ do thanh niên quấy phá cho vui, nhưng việc này lặp đi lặp lại, mỗi lần mất là ông phải đền tiền cho cơ sở nên để giữ lại việc thiện của mình ông nghĩ ra cách trám xi-măng vào giá đỡ tự chế, mỗi ngày thay thùng nước mới đều cột chằng chịt dây để… giữ lại thùng. “Nhiều người thấy vậy nên ngại, không biết của nhà hay của miễn phí, mình phải giải thích, chứ chính tôi cho nước bà con mà tôi còn thấy kỳ” - ông P. cho biết.

Cần lắm ứng xử đẹp đáp lại những nghĩa cử đẹp

Nói thêm về cách cư xử nơi công cộng, nhiều người mang tâm lý “đi chùa mà, ai đâu trách”, hoặc “có ai biết mình, nhớ mình là ai đâu” rồi thản nhiên hành xử không đẹp mắt ở những nơi đặt chân đến. Tại những điểm chùa gắn với du lịch tâm linh, ngoài vấn nạn xả rác, khách hành hương còn vô tư hái hoa, bẻ cây, “bỏ túi” những món đồ nhỏ làm “kỷ niệm”. Tại Khu du lịch núi Cấm, Ban Quản lý khu du lịch cắm bảng với nội dung: “Đừng lấy đi gì ngoài những tấm hình. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Nhưng rất nhiều du khách vẫn “hồn nhiên” để lại nào là rác, những câu kỷ niệm, tên, ngày tháng… ở khắp nơi, trên vách đá, bàn, ghế, những cánh cửa.

Các điểm du lịch nói riêng, chính quyền trong tỉnh nói chung đều nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp để thu hút du khách. Bên cạnh nhắc nhở ý thức của người dân sống tại chỗ, mong rằng khách hành hương dù đến từ bất kỳ nơi nào cũng cần góp phần tạo hình ảnh đẹp cho điểm du lịch đáng bằng hành động trách nhiệm của mình.

MỸ HẠNH