Việc học ở cồn Phó Ba

02/10/2018 - 07:53

 - Chiếc đò ngang xẻ con nước lũ đục ngầu đang chảy cuồn cuộn đưa chúng tôi đến cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Vào mùa lũ, cuộc sống người dân ở đây hầu như bị đảo lộn, bởi đâu đâu cũng là nước. Vì thế, việc học của những đứa trẻ ở xứ cồn này cũng lắm gian nan, vất vả…

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Thạnh Nguyễn Văn Bịch cho biết: ấp hiện có 298 hộ dân thường trú, với gần 1.300 nhân khẩu. Trong đó có 6 hộ nghèo và 41 hộ cận nghèo. Cuộc sống người dân nơi đây thuận tiện hơn trước rất nhiều, khi được sự quan tâm của chính quyền địa phương đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch và điện lưới quốc gia. Hầu hết người dân làm nghề chài lưới, thợ lặn, đưa đò hay làm thuê, làm mướn; một số ít buôn bán nhỏ bên chợ, công việc bấp bênh, thu nhập không cao. Đặc biệt, việc học của con em xứ cồn này còn lắm gian nan, vất vả. Theo ông Bịch, hiện ấp có 2 điểm trường là Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (điểm 2) và Trường Mẫu giáo Hoàng Yến (điểm 2). Việc huy động học sinh (HS) đến trường, đến lớp hàng năm ở 2 điểm của trường luôn duy trì ở mức cao. “Tụi nhỏ ở đây đi học có phần thua thiệt so với những cháu cùng trang lứa bên cồn lớn (bờ xã Mỹ Hòa Hưng) hoặc bên chợ (bờ Long Xuyên) nhưng các cháu rất chăm học. Nước lên ít tụi nhỏ đến trường dễ dàng, chứ nước lên ngập đường là 10 đứa đến trường hết 4 đứa ướt mình vì té nước, thấy thương lắm”.

Các em học sinh đi bộ đến trường

Các em học sinh đi bộ đến trường

Nói xong, ông Bịch dẫn tôi đến Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (điểm 2), cách văn phòng ấp chừng 200m. Nơi đây, ngoài việc dạy học còn là nơi vui chơi duy nhất của các em. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch Công đoàn trường Nguyễn Thành Tân cho biết: nhiệm vụ chính của trường là giảng dạy cho các em học ở trong ấp nên HS rất ít. Năm học 2018-2019, trường có 120 HS theo học ở 5 lớp, từ 1 đến lớp 5. Hầu hết giáo viên đều ở bên chợ nên phải “lụy đò” để “gieo” chữ. Do việc di chuyển khó khăn nên các giáo viên chọn cách tự nấu ăn và nghỉ ngơi tại trường để tiếp tục việc dạy đến chiều mới về nhà. Dù gặp không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng tất cả thầy, cô giáo đều rất tâm huyết với nghề và hơn cả là tấm lòng thương yêu HS nghèo nơi đây…

Nhiều giáo viên cho biết: mang tiếng là ở thành phố nhưng do “ngăn sông, cách chợ” nên môi trường sống của các em bị hạn hẹp, ít được tiếp xúc với môi trường hiện đại của xã hội. Ngoài ra, cuộc sống gia đình nghèo khó nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. Cô Huỳnh Lương Thị Ngọc Dung, có 7 năm giảng dạy ở trường này chia sẻ: “Nhiều vấn đề, sự việc, sự vật, các em không hình dung được do chưa từng tiếp xúc thực tế nên các em tiếp thu bài chậm. Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi phải sáng tạo làm nhiều đồ dùng dạy học, hay sưu tầm hình ảnh, phim minh họa để các em dễ hiểu bài hơn. Nhìn thấy tụi nhỏ ngoan, chăm học mà tội nghiệp”.

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh tính toán

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh tính toán

Dù nghèo khó, thiếu thốn nhưng người dân nơi đây ai nấy đều cố gắng cho con mình được học hành. Nhà cách trường hơn 1km, hàng ngày, em Trần Văn Thành (HS lớp 5) phải dậy lúc 5 giờ 30 phút sáng để đi bộ đến trường. Thời điểm đó cũng là lúc mẹ em bắt đầu công việc mưu sinh. Thành cho biết: “Cha mất nên mẹ phải cực khổ để kiếm tiền nuôi tụi em ăn học. Năm sau lên lớp 6 phải học bên chợ rồi, không biết mẹ có lo nỗi cho em học không”.

Chồng mất, một mình gồng gánh nuôi 2 con ăn học nhưng chị Lâm Minh Thúy vẫn cố gắng, dù có vất vả đến đâu. Vì theo chị, chỉ có học, sau này có nghề nghiệp ổn định mới mong thoát nghèo. Hiện, đứa con lớn của chị là Lâm Văn Tú đang học lớp 8, Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Mỹ Bình), đứa nhỏ học mẫu giáo ở tại ấp. Chị Thúy tâm sự: “Ở đây tụi nhỏ thiệt thòi đủ thứ, đi học cấp II phải đi đò qua bên chợ, luôn đối diện nguy hiểm; đến trường thì kiến thức không bằng bạn. Mình không được học hành đến nơi đến chốn nên dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng lo cho tụi nhỏ được đi học, để sau này có nghề nghiệp ổn định, không còn phải cực khổ. Lo được tới đâu thì lo tới đó, nhất định không cho con bỏ học giữa chừng”.

10 giờ, tiếng trống trường vang lên, báo hiệu hết giờ học buổi sáng. Các em học mẫu giáo được phụ huynh đến đón về, còn HS tiểu học thì “cuốc bộ” trên đường quanh co, lúc thì nền đất, lúc thì được bắc cầu ván tạm về nhà, rồi phải tranh thủ quay lại trường để tiếp tục học vào buổi chiều. Giáo viên nơi đây ăn vội lót dạ, nghỉ ngơi để có sức tiếp tục giảng dạy. Tất cả mong muốn các em học thật tốt, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU