Việc làm tự do và những bất cập

29/10/2019 - 07:53

 - Ngày nay, người lao động muốn bám trụ tại thôn quê là điều không phải dễ dàng bởi công việc nhà nông ngày càng khan hiếm. Do vậy, người lao động phải linh hoạt, năng động với muôn kiểu ai thuê gì làm nấy. Song, với tính chất đặc thù là lao động tự do nên người làm phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế.

Lao động tự do, thời vụ ít được quan tâm về bảo hộ, an toàn lao động

Với người dân thôn quê, câu nói “ai kêu gì làm nấy” thường gắn liền với công việc của nhà nông như: sạ phân, xịt thuốc, vác phân, cuốc đất, gặt lúa… theo mùa vụ. Những năm gần đây, do mức độ cơ giới hóa đồng ruộng cao nên công việc nhà nông ngày càng ít dần, thu nhập không còn thoải mái như trước đây và phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp triền miên. Anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ ấp Phú Hữu, xã Định Mỹ, Thoại Sơn) cho biết: "Ngày nào có người kêu đi xịt thuốc, sạ phân là ngày đó tôi cảm thấy rất vui, dù cực nhọc cả ngày nhưng đổi lại tôi có nguồn thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng để trang trải chi phí nuôi mẹ già bị bệnh tai biến, anh bị bệnh tâm thần, vợ và 2 đứa con đi học. Còn ngày nào không thấy “ai kêu gì” thì tôi lo lắm và chủ động chạy đầu trên xóm dưới để tìm việc”.

Có công việc là có nguồn thu nhập, nhưng ngược lại họ phải đánh đổi bằng cả sức khỏe. Anh Tùng cho hay: “Cố gắng thích nghi lắm, tôi mới đeo được chiếc khẩu trang khi phun xịt thuốc hóa học, còn lại hầu như tiếp xúc trực tiếp với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. những tháng gần đây, cơn ho dai dẳng kéo dài, tôi nghĩ là mình đã bị bệnh, do bản thân đã tiếp xúc hóa chất nhiều năm liền”. Lao động tự do làm việc trong môi trường độc hại chưa được trả lương tương xứng, bên cạnh đó là do việc làm tự do chỉ cần người làm việc trong thời gian ngắn, nên không hề có bảo hiểm tai nạn. Do vậy, khi bị tai nạn lao động, đa phần họ phải tự chi trả và gánh chịu những hệ quả sau đó. Đó là hoàn cảnh của anh Lê Văn Tâm (ngụ ấp Mỹ Thới, xã Định Mỹ, Thoại Sơn) trong lúc vác phân bón thuê đã bị bao phân đè lên cột sống cổ, gây chấn thương nghiêm trọng, dẫn đến tê liệt hoàn toàn 2 chân. Đó còn là trường hợp của anh phụ hồ Lê Thanh Hùng (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) bị thanh sắt rơi từ giàn giáo xuống đầu gây chấn thương sọ não, liệt tứ chi; tình cảnh đáng thương của em Đặng Tấn Đạt (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) trong lúc làm phụ hồ bị phóng điện gây ngã từ giàn giáo dẫn đến liệt cả người; anh Nguyễn Văn Hiếu (xã Cần Đăng, Châu Thành) bất cẩn trong vận hành máy xẻ gỗ dẫn đến bị dập cả bàn tay…

Người lao động khu vực nông thôn vốn ít học, ít được qua trường lớp đào tạo nghề, cùng với đó là kỹ năng sử dụng những máy móc hiện đại chưa có, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống nguy hiểm nên dễ đối mặt với tai nạn lao động và thông thường phải trả giá bằng chính sức khỏe, cuộc sống tương lai, thậm chí là tính mạng của họ. Là người trực tiếp đóng góp công sức phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ sở, xây dựng dân dụng, làm ruộng, làm vườn… theo yêu cầu công việc vào từng thời điểm và nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, thế nhưng trên thực tế, những người lao động tự do ít khi nào nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng. Việc chi trả chi phí y tế khi xảy ra tai nạn, chế độ thưởng ngày Tết, tăng ca đều hoàn toàn phụ thuộc vào cơ sở có muốn trả thêm hay không. Do vậy, người lao động ở khu vực nông thôn khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái nghèo, tai nạn và bệnh tật.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ phát triển thị trường lao động và việc làm từ chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm - an toàn lao động nhằm kết nối nhu cầu việc làm của hộ gia đình đến với doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với việc làm thiết thực tại địa phương. Thông qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc, cách tự bảo hộ đảm bảo an toàn trong lao động. Đồng thời, tăng cường các dự án vay vốn giúp nhiều lao động tự tạo việc làm ổn định, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Từ đó, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, tự tạo việc làm cho chính mình ổn định và thường xuyên hơn.

Với nhiều người dân khu vực nông thôn, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ có trình độ, có tay nghề cơ bản… đã ý thức và mong muốn đi làm ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả để có việc làm tốt, thu nhập ổn định, giúp gia đình cải thiện cuộc sống có thể chủ động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động thông qua các sàn giao dịch việc làm, các đơn vị, doanh nghiệp uy tín để có được sự hỗ trợ tìm việc tốt nhất.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG 

 

Liên kết hữu ích