Việc tung tin giả về dịch COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

04/04/2020 - 09:32

Bạn đọc hỏi: Việc tung tin giả về dịch COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) làm việc với đối tượng N.Q.P ở xã Hoàng Diệu vì tung tin sai sự thật. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh: Điểm a, b, khoản 3, Điều 64 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghê thông tin, tần số vô tuyến đang có hiệu lực, quy định như sau:

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

b) Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.

Mức phạt tiền tại quy định trên là của tổ chức, đối với cá nhân là bằng 1/2 mức phạt của tổ chức và hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Trong đó phạm vi điều chỉnh của nghị định này có quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên viễn thông; internet có nghĩa là gì đối với các hành vi vi phạm ở trên internet ví dụ như: Đăng bài, chia sẻ thông tin... gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hay gây hoang mang trong dư luận... đều có thể bị xử phạt.

Cụ thể Nghị định 15/2020 cụ thể tại khoản 1, Điều 101 quy định như sau:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Có thể thấy, mức phạt với cá nhân tung tin giả tại Nghị định 15/2020 tăng hơn so với quy định tại Nghị định số 174/2013 và quy định về hành vi vi phạm thì được chi tiết hóa, cụ thể và rõ ràng hơn. Không chỉ vậy, biện pháp khắc phục hậu quả của Nghị định 15/2020, buộc gỡ bỏ thông tin sau sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật cụ thể hơn so với Nghị định số 174/2013 chỉ là tịch thu phương tiện.

Theo TTXVN