Việt Nam cam kết những gì trong hiệp định CPTPP?

16/01/2019 - 08:25

Chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, xuất khẩu hơn 4 tỷ USD; và các con số này sẽ tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.


CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và đúng để từ đó tận dụng được những cơ hội từ CPTPP, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin cơ bản về các cam kết trong những lĩnh vực chính như: thuế nhập khẩu, dệt may, dịch vụ và đầu tư, lao động, mua sắm Chính phủ, quy tắc xuất xứ và doanh nghiệp nhà nước.

Hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ 

Ngày 8-3-2018, 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức ký CPTPP. CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ với phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.

CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Và ngày 14-1-2019, CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. 

Các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. 

Theo nội dung của Hiệp định, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính: nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực; nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình (các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm, thậm chí 20 năm); nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định, nếu vượt quá sẽ không được hưởng ưu đãi).

Đối với Việt Nam, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Trong đó, Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ; Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế đối với 86% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. 

Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nước trong nhóm cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam với tỷ lệ cao như: Peru xóa bỏ 80,7% số dòng thuế; Mexico xóa bỏ 77,2%; Chile xóa bỏ 95,1%; Australia cắt giảm 93%; NewZealand xóa bỏ 94,6%; Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan; Malaysia xóa bỏ 84,7%; Brunei xóa bỏ 92%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5-10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, như: bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ôtô con dưới 3.000 phân phối, Việt Nam có lộ trình giảm thuế trên 10 năm. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ôtô đã qua sử dụng.

Như vậy, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hàng nghìn dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, CPTPP sẽ mở ra cơ hội vàng để một số nhóm hàng phát triển bởi những cam kết rất "mở," tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

Trong đó, đi đầu là giày dép khi mà 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giày da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết sẽ giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu giầy dép vào Mexico và Peru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Trong đó, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam-Nhật Bản và ASEAN-Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0%. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thêm vào đó, gạo cũng được hưởng thuế suất 0% và có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Mexico cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Song song với đó, càphê, chè, hạt tiêu, hạt điều sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Riêng Mexico xóa bỏ thuế càphê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và càphê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10.

Ngoài ra, xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Canada, Peru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, xuất khẩu hơn 4 tỷ USD; và các con số này sẽ tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Một số cam kết khác

- Quy định riêng về hàng dệt may

Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù. Nội dung cam kết về dệt may bao gồm:

Hiệp định CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.

Với thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mehico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16. 

Về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi,” nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Quy tắc này khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, khuyến khích đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP. 

So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc đưa ra yêu cầu ở mức cao. Tuy nhiên, các thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như: 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp; Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.

- 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa 

Hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (1) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (2) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP và (3) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).

Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết. Do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên Việt Nam được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này.

- Các cam kết về Lao động-Công đoàn của Hiệp định CPTPP

Với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này, năm 1998, ILO đã ra Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động và đến năm 2008 tiếp tục thông qua Tuyên bố về thúc đẩy việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong quá trình toàn cầu hóa công bằng. Đây cũng là cách tiếp cận của các FTA thế hệ mới và đang trở thành xu thế trên toàn cầu. Theo đó, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998. 

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO. Như vậy, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.

Hiệp định CPTPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.

Cam kết về liên kết của các tổ chức của người lao động, theo cam kết trong CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. 

Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở mức độ này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

- Về doanh nghiệp nhà nước 

Các nghĩa vụ chính theo Hiệp định bao gồm: (1) các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (2) các doanh nghiệp nhà nước không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; (3) minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố và (4) nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Các nghĩa vụ của Hiệp định chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước vượt ngưỡng doanh thu nhất định. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỷ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỷ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định.


Theo MINH DUYÊN (TTXVN/VIETNAM+)