Việt Nam có cơ sở lạc quan cho việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

04/06/2019 - 08:21

Ngày 7-6-2019 tới đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia ứng cử.

Nhân dịp này, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, người từng làm Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2018, đã chia sẻ một số ý kiến đánh giá về vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, những đóng góp của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cũng như những cảm xúc đặc biệt của cá nhân bà khi Việt Nam được chọn là ứng cử viên duy nhất của nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Hội thảo “Cơ sở hạ tầng phục vụ phụ nữ: khía cạnh giới trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng” do Việt Nam cùng Phần Lan, Grenada, UNIDO, UN Women... tổ chức ngày 14-3-2019: Nguyễn Thanh-Pv TTXVN tại Mỹ

Kỷ niệm đẹp trong nhiệm kỳ công tác

Là người đảm đương vị trí Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc khi nước ta vinh dự được các nước châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận đề cử là ứng cử viên duy nhất của khu vực tại cuộc bỏ phiếu bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Đại sứ Nguyễn Phương Nga xúc động chia sẻ: “Ngày 25-5-2018, Nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đó là một trong những ngày đẹp nhất trong nhiệm kỳ công tác của tôi. Tất cả anh chị em đang công tác tại Phái đoàn và trong nước đều rất vui. Mặc dù công tác vận động đã được tiến hành trước đó nhiều năm, việc thông qua đề cử của Nhóm khu vực 13 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử là chưa từng có tiền lệ”. 

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, việc đề cử này thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác.

Bày tỏ kỳ vọng vào việc Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng, Việt Nam có cơ sở để lạc quan với việc ứng cử lần này. Trước hết, đó là vị thế của đất nước, uy tín của Việt Nam. Việt Nam là một tấm gương sáng, được bạn bè quốc tế yêu mến, cảm phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, quyền cơ bản của con người, bởi thành tựu của công cuộc đổi mới, vượt qua đói nghèo, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước phát triển năng động, cũng như truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam.

Cùng với đó, thành tựu của chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, đóng vai trò tích cực trong ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc cũng khiến các nước, nhất là các nước lớn, coi trọng và thúc đẩy quan hệ song phương với nước ta.

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Việt Nam được nhìn nhận rộng rãi là một quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, ủng hộ rất tích cực cho cách tiếp cận đa phương, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp cho tổ chức đa phương này.

Các thành viên Liên hợp quốc cũng tin tưởng ở năng lực và vai trò quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế. Việt Nam đang có đóng góp tích cực trong những vấn đề quan trọng như giải trừ quân bị, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề nội khối ASEAN và trong khu vực, chứng tỏ khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải, góp phần giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Thành viên tích cực tại các diễn đàn đa phương

Đánh giá về vị thế, vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, đối ngoại đa phương là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động và tích cực vận động Liên hợp quốc, trước hết là các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp nhận Việt Nam vào Liên hợp quốc, công nhận nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Các Hội nghị và Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Paris 1973 đã góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, dẫn đến thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó cũng là đóng góp lớn của Việt Nam trên diễn đàn đa phương vào hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã vượt qua bao vây cấm vận, từng bước gia nhập và tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và thế giới. Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, cơ chế đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)… ký kết nhiều hiệp định kinh tế thương mại đa phương. Trong mỗi tổ chức, Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên có trách nhiệm, là một đối tác tin cậy.

Có thể nói, tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và uy tín, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng trực tiếp đóng góp, định hình luật chơi và các cơ chế quốc tế, khu vực, vì hòa bình và thịnh vượng của nhân loại, đồng thời nâng cao vị thế đất nước, hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, văn hiến, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển. 

Trong gần 25 năm tham gia ASEAN (từ ngày 28-7-1995), với phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã khẳng định được uy tín và vai trò của mình trong ASEAN thông qua việc tham gia hợp tác ASEAN sâu rộng và toàn diện, hai lần đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, xây dựng những văn kiện quan trọng xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN trên cơ sở tôn trọng và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội.

Trong APEC, Việt Nam cũng đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến tăng cường hợp tác thiết thực về liên kết kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, lao động và việc làm, kinh tế số, kết nối khu vực…

Với Liên hợp quốc, kể từ khi gia nhập tổ chức này năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới, có những đóng góp cụ thể vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Đóng góp của Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc.

Dấu ấn đậm nét tại Liên hợp quốc 

Nêu những đóng góp cụ thể của Việt Nam để cùng với Liên hợp quốc xây dựng một thế giới phát triển bền vững, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết: Trong hơn 40 năm gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp, tham gia nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội đồng Bảo an. Cuối năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia và được bầu làm phó chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC). Việt Nam tích cực tham gia trên tất cả ba trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc là hòa bình, an ninh; phát triển và quyền con người.

Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực… 

Năm 2007, Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Một số đóng góp nổi bật của Việt Nam trong nhiệm kỳ này là Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên Liên hợp quốc ngoài Hội đồng Bảo an về Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an trước Đại hội đồng. 

Việt Nam cũng là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2018, Việt Nam đã cử bệnh viện dã chiến cấp II đầu tiên tới Nam Sudan với 63 y, bác sỹ quân y, đóng góp vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột, tạo dựng hòa bình ở các khu vực và trên thế giới.

Trong lĩnh vực phát triển, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Việt Nam đã về đích trước hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới. Việt Nam cũng tích cực cùng các nước thành viên thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 ở cấp độ quốc gia, khu vực và trên bình diện toàn cầu; nỗ lực phấn đấu là một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và truyền thống làm tốt như xóa đói nghèo, y tế, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh lương thực…  cũng như hướng tới tăng trưởng xanh và bao trùm, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa, bảo vệ đại dương. 

Trong lĩnh vực quyền con người: Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần thúc đẩy việc bảo vệ và phát huy quyền con người. Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến được ủng hộ rộng rãi về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.

Theo THU PHƯƠNG (Báo Tin Tức)