Việt Nam hướng đến phát triển các doanh nghiệp công nghệ

08/05/2019 - 19:55

Chính phủ đang hướng tới ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng doanh nghiêp công nghệ Việt Nam.

Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốc độ cao, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm chưa cao.

Vì vậy, Chính phủ đang hướng tới ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng doanh nghiêp công nghệ Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, góp phần giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.

Năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt doanh thu hơn 98 tỷ USD, tăng trưởng 8%. (Ảnh minh họa/KT).

Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, một số nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành những con rồng châu Á, những cường quốc thế giới chỉ trong vài thập kỷ gần đây là dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.

Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như: Sony, Toshiba, Samsung, LG... đã đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới và qua đó tạo dụng sức mạnh kinh tế của quốc gia này.

Tại Việt Nam, đã hình thành nhiều doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, sản xuất phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số như: FPT, Vietel, VNPT, BkAV... doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như: Foody, Vntrip, Monky junior... hay các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ như Vingroup hay Phenika... Các doanh nghiệp công nghệ thực hiện phát triển sản xuất công nghệ, cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, hiện nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng những doanh nghiệp công nghệ lớn.

Ông Hùng Trần, Giám đốc Công nghệ Công ty Got It cho biết, để có đội ngũ kỹ sư giỏi, trình độ cao đáp ứng được công việc, các doanh nghiệp công nghệ hiện phải tự đào tạo kỹ sư.

"Đội ngũ kỹ sư của chúng ta chưa hẳn đã sẵn sàng để đáp ứng và xây dựng những công ty công nghệ lớn. Nếu có cơ chế, chính sách thì Chính phủ cần cùng với các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo, có cơ chế khuyến khích để có lực lượng kỹ sư giỏi, xây dựng được sản phẩm lớn, đó mới là yếu tố then chốt xây dựng được các công ty công nghệ, nếu đào tạo kỹ sư nhàng nhàng, gia công phần mềm thôi, thì giấc mơ tạo được các công ty công nghệ có giá trị vô cùng khó" - ông Hùng Trần chia sẻ.

Năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt doanh thu hơn 98 tỷ USD, tăng trưởng 8%, ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Theo Thứ trưởng bộ thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Việt Nam hướng tới giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững là phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiến tới làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế tích hợp sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ và phát triển công nghệ để giải quyết các bài toán của Việt Nam mà còn tiến ra tham gia giải quyết các bài toán toàn cầu, đóng góp cho kho tàng trí tuệ công nghệ của toàn cầu. Thời gian tới, Chính phủ Việt đặt mục tiêu hình thành cộng đồng, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với 100.000 doanh nghiệp công nghệ.

Ông Phan Tâm nhấn mạnh: "Hiện nay, trong khu vực chúng ta thấy có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thành công trong việc trở thành các quốc gia phát triển những cường quốc công nghệ thông qua phát triển các doanh nghiệp công nghệ ở trong nước. Đây là mô hình để Việt Nam có thể đi theo. Chúng ta phải tạo thị trường, dành thị trường, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được nuôi dưỡng, từ đó lớn mạnh vào và giải quyết các bài toán lớn hơn trong nước cũng như trên thế giới".

Chính phủ Việt Nam kỳ vọng phát triển các doanh nghiệp công nghệ sẽ là một trong những giải pháp đột phá để thay đổi, nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam cao hơn, bền vững hơn.

Theo PHƯƠNG THOA (VOV)