Vĩnh Long: Lo ngập đường mùa mưa, nước tràn nhà mùa lũ

06/06/2018 - 09:08

Những cơn mưa lớn đầu mùa như một “hình ảnh minh họa” cho viễn cảnh ngập lụt mùa mưa lũ ở TP Vĩnh Long. Từ đó, nhiều vấn đề đặt ra đối với quy hoạch đô thị…

A A

Các phương tiện giao thông “lặn ngụp” trên đường Trưng Nữ Vương sau trận mưa lớn.

 “Từ đó tới giờ mới thấy nước tràn vào nhà”

Cơn mưa lớn vào chiều 2-6 như trút nước xuống TP Vĩnh Long. Đây là cơn mưa đầu mùa lớn nhất đến thời điểm này, khiến cho hầu hết các tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long ngập lênh láng.

Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến ngập sâu là Hoàng Thái Hiếu, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Du,… nước thậm chí đã tràn vào nhà dân.

Không chỉ các tuyến đường thấp, đường Phạm Thái Bường được xem là cao ráo, hệ thống thoát nước tương đối hoàn thiện cũng không tránh khỏi ngập sâu.

Trong đó, nhiều người dân ở chung cư Phường 4, khu vực đường Phạm Thái Bường giao với đường Nguyễn Văn Thiệt cho biết, nước cũng đã tràn vào nhà.

Còn cô Võ Thị Mai Lan (Phường 1) cho biết: “Xưa đến giờ chưa thấy nước ngập đến nổi tràn vào nhà như cơn mưa chiều 2-6.

Trước đây, nếu triều cường lên cao kết hợp mưa dầm cũng không thể nào khiến nước tràn vào nhà. Vậy mà chỉ mới hơn 15 phút đầu của cơn mưa lớn, nước đã ngấp nghé thềm nhà, cứ vậy, tràn vào từ từ. Căn nhà như một hồ chứa nước”.

Cô Nguyễn Thị Huệ (Hẻm 146, đường Trưng Nữ Vương) cũng cho biết, lúc trước hẻm này có một con rạch nhỏ.

Con rạch này làm nhiệm vụ thoát nước vào mỗi mùa mưa lũ nhưng sau này, sau quá trình đô thị hóa, con rạch không còn, rồi Nhà nước cũng cho xây một hệ thống cống nhưng hiện không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

“Cứ mỗi mùa mưa lũ là nước cứ ngập lênh láng. Đường thì đã nâng cao, nhà ai khá thì nâng theo, còn không thì sẽ bị ngập.

Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngập càng thường xuyên hơn, mà người dân thì chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”- cô Huệ chia sẻ.

Không chỉ nước tràn vào nhà, cơn mưa chiều 2/6 cũng ghi nhận nhiều xe máy, ô tô chết máy do nước ngập đường quá sâu.

Anh Nguyễn Khoa (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết, đúng thời điểm ngập cao, chiếc ô tô của anh khi di chuyển qua đoạn Hoàng Thái Hiếu giao Trưng Nữ Vương cũng bị chết máy. “Cũng may là tôi có mua bảo hiểm thủy kích nên cũng đỡ lo ngại.

Nhiều chủ xe không mua loại bảo hiểm này thì, tiền sửa chữa sẽ rất cao và đương nhiên giảm giá trị xe”- anh Khoa cho hay.

Câu chuyện nước tràn vào nhà, xe chết máy… đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng này không nên đánh giá là “đến hẹn lại lên” mà cần phải có những đánh giá cụ thể và có giải pháp phù hợp.

Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất chuyện đô thị “mỗi lần mưa là ngập, mỗi lần nước lũ là đường lại thành sông…”

Cần có quy hoạch tổng thể

Có nhiều tuyến đường với hệ thống cống hở không chỉ gây khó khăn trong việc thoát nước mà còn gây ô nhiễm.

Chuyện đô thị bị ngập nước không chỉ xảy ra với TP Vĩnh Long mà còn là tình trạng chung của các đô thị vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế ở đô thị đó.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết: “Hiện nay, về giải pháp kỹ thuật, đơn vị thường xuyên nạo vét cống, nhất là các hệ thống thường xuyên bị ngập.

Đồng thời mỗi lúc trời mưa lớn, đều có đội phụ trách khai thông các miệng thu”.

Về giải pháp lâu dài, ông Ngô Thành Thía cho biết: “Hiện nay, đơn vị đã khảo sát và lập dự án tiền khả thi để nâng cấp toàn bộ hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, cũng đang chờ ý kiến của nhà tài trợ”.

Trao đổi với nghiên cứu sinh chuyên ngành kiến trúc- Ths Ngô Hồng Năng- Trưởng Khoa Kiến trúc (ĐH Xây dựng Miền Tây), chúng tôi được biết: Hiện nay, xu hướng chung quy hoạch đô thị ở các nước trên thế giới là không chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn các định hướng dài hơi.

Theo Ths Ngô Hồng Năng, quy hoạch đô thị cần có định hướng và phù hợp với thiên nhiên: “Hiện nay, đô thị ở các nước phát triển đều xây dựng hồ chứa nước, hồ điều hòa hoặc các hồ nước ngầm. Thậm chí, họ đầu tư xây dựng bằng các vật liệu rỗng, thấm để đáp ứng nhu cầu thoát nước. Đồng thời không nên đánh đồng việc đô thị có hệ thống sông rạch nhiều như TP Vĩnh Long là không ngập, bởi thực tế, tình trạng ngập còn phổ biến và phức tạp hơn”.

Về đô thị TP Vĩnh Long, Ths Nguyễn Hồng Năng đánh giá hiện nay chất lượng quy hoạch chưa được cao, một số tuyến đường còn sử dụng hệ thống cống hở, riêng hệ thống cống thoát nước hiện cũng đã quá tải.

Theo đó: “Đặc trưng của đô thị Vĩnh Long là được chia cắt bởi các con sông, chưa tập trung. Nếu như Phường 1 đã thành trung tâm khó quy hoạch lại thì các trung tâm khác, khu đô thị khác trong tương lai cần phải có một quy hoạch tổng thể, cụ thể.

Nếu không có tầm nhìn chiến lược cao thì tình trạng đô thị ngập trong mỗi mùa mưa lũ sẽ khó có thể giải quyết”.

Trong khi đó, Ths Trần Thanh Thảo- Trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị (ĐH Xây dựng Miền Tây) cho biết, hiện có thể nói là hệ thống thoát nước của TP Vĩnh Long đã quá tải, thậm chí là hết đáp ứng được nhu cầu thoát nước cấp thiết.

Ở Hẻm 146 này, trước đây có con rạch nhỏ nhưng nay đã bị san lấp và được thay thế bằng hệ thống cống nhỏ.

Song song đó, ý thức của người dân còn kém nên tình trạng cống rãnh tràn lan rác, tình trạng lấn chiếm kinh rạch còn nhiều.

Qua đó, Ths Trần Thanh Thảo đã chia sẻ các giải pháp chống ngập cho đô thị vùng sông nước, trong đó có TP Vĩnh Long:

Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống bờ kè, đê chống ngập lụt; nâng cấp hệ thống thoát nước hiện tại (cống phải có khẩu lớn, hạn chế cống hở); quy hoạch tổng thể lại TP Vĩnh Long có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu;…

Ngoài ra, các đô thị hiện đại còn áp dụng các giải pháp khác như xây dựng hồ điều tiết nước, tăng diện tích bề mặt thấm; sử dụng giải pháp “Mái nhà xanh”… “Hiện nay, đô thị ứng dụng vật liệu rỗng, thấm để xây dựng đang có xu hướng tăng ở thế giới.

Ở trong nước, hiện đã có TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đi tiên phong trong việc quy hoạch và ứng dụng giải pháp này một cách có hiệu quả…”- Ths Trần Thanh Thảo thông tin.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết: Một bộ phận người dân có ý thức kém trong bảo vệ môi trường. Đã có quy định xử phạt nhưng hiện công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi…

Theo NGUYỄN DUY (Báo Vĩnh Long)