Vĩnh Long: Nỗ lực phòng thiên tai, thảm họa

05/06/2018 - 08:32

Trong nỗ lực chủ động các biện pháp ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão, vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang đã ký ban hành chỉ thị về tăng cường công tác này, trong đó nhấn mạnh việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra.

A A

Bởi theo dự báo, tình hình thời tiết trong năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.

Vào mùa mưa, sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại. Trong ảnh: Sạt lở bờ sông Tiền đe dọa nhiều bè cá trên sông. Ảnh: Tư liệu

Trong nhiều nội dung cốt lõi, chỉ thị của UBND tỉnh cũng đã đề cập đến việc tập huấn “quản lý rủi ro thiên tai, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của cộng đồng” cũng như kỹ năng, kinh nghiệm, biện pháp phòng, tránh thiên tai.

Bên cạnh đó là việc rà soát, xác định những vùng nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lốc xoáy,… để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, rà soát công tác ứng phó với thiên tai, kiểm tra nhân lực, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn về người và tài sản trong phòng, tránh thiệt hại do thiên tai xảy ra.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát sông trái phép gây sạt lở bờ sông.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, một trong số những khó khăn vướng mắc của ngành là tình hình thiên tai bất thường xảy ra thời gian gần đây như sét, mưa lớn, gió mạnh, sạt lở đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo đó, trong các ngày 7, 8, 10-5 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, lốc xoáy tại các huyện Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn và TX Bình Minh gây thiệt hại về nhà ở khoảng 295 triệu đồng.

Ngay thời điểm đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở đã xảy ra nhiều nơi, trong đó có thể kể đến vụ sạt lở bờ bao kinh Hai Quý thuộc Tổ 1 và Tổ 2, Khóm 1 (phường Thành Phước) và sạt lở bờ sông Phù Ly thuộc Tổ 6, ấp Đông Hậu (xã Đông Bình- TX Bình Minh) gây thiệt hại ước tính khoảng 781 triệu đồng.

Thống kê thiệt hại do thiên tai toàn tỉnh cho thấy, từ đầu mùa mưa bão đến nay, sét đánh chết 2 người, mưa lớn gió mạnh đã làm hư hỏng 21 căn nhà.

Toàn tỉnh xảy ra 5 điểm sạt lở lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân, 3 ao cá. Triều cường cũng đã làm 2 bờ bao bị sạt lở, nứt và 4 đập bị bể. Ước tổng thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện các dạng thiên tai nguy hiểm. Trong ảnh: Lốc xoáy gây sập la phông một trường học khiến nhiều học sinh phải nhập viện. Ảnh: Tư liệu

Nếu tính riêng tình trạng sạt lở, thống kê trong năm 2017 và đến tháng 5-2018, toàn tỉnh đã xảy ra 130 tuyến, điểm sạt lở trên sông chính, sông lớn và trong nội đồng, làm mất gần 12km bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn (ước tính có khoảng 3,63ha đất bị mất), với 893 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 58 hộ cần bố trí di dời.

Cụ thể, trên tuyến sông Hậu có 3 điểm sạt lở, dài 430m, sông Tiền có 4 điểm sạt lở, dài 330m, sông Cổ Chiên có 3 điểm sạt lở, dài 170m, sông Măng Thít có 16 điểm sạt lở, dài 655m.

Khi sạt lở xảy ra, ngành chuyên môn và lực lượng tại chỗ các địa phương đã gia cố tạm thời bằng cách đóng cừ dừa, cừ tràm,

đắp đất cũng như áp dụng giải pháp kiên cố sử dụng tường rọ đá đặt trên móng cừ tràm, đá hộc thả tự do tạo mái nghiêng, xây kè bê tông cốt thép kiên cố. Hiện toàn tỉnh có 19 công trình kè kiên cố, dài 14.638m.

Theo đánh giá công tác xử lý sạt lở bờ sông đã thực hiện cũng như hiệu quả các giải pháp kỹ thuật của Chi cục Thủy lợi tỉnh, đối với giải pháp tạm thời tuy ít tốn kém kinh phí nhưng có tuổi thọ ngắn (khoảng 3 năm là hư hỏng), hiệu quả không cao.

Riêng giải pháp kiên cố thì mới có tính lâu dài để xử lý các vị trí sạt lở trên sông chính, sông lớn, có tuổi thọ khá lâu. Giải pháp này tuy tốn kém lớn về kinh phí nhưng mang lại hiệu quả rất cao.

Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai sắp tới, ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh- lưu ý:

Chi cục Thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn cũng như tình hình thiên tai như sạt lở bờ sông, gió lốc, tình hình thực hiện các công trình thủy lợi, công tác chằng chống nhà.

Đặc biệt theo dõi thi công công trình kè bảo vệ bờ sông Ông Me (đoạn chùa Ông thuộc xã Long Phước- Long Hồ). Đây là công trình sử dụng nguồn vốn từ quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh.

Đối với các chi cục: trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, thủy sản cần theo dõi và đánh giá sát tình hình thiên tai và có phương án bảo vệ cây trồng, đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, hạn chế thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Theo THÀNH LONG (Báo Vĩnh Long)