Vĩnh Long thuận đường sông, liền bến cảng

15/03/2018 - 08:19

ĐBSCL có mật độ sông ngòi dày đặc, rất thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trong đó, Vĩnh Long nằm ở hạ nguồn lưu vực sông Mekong, sông rạch phân bố tương đối đồng đều cùng với các hệ thống bến cảng thủy tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000- 10.000 tấn, là đầu mối giao thương trong chiến lược phát triển ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

A A

Cảng Vĩnh Long có khả năng có thể tiếp nhận tàu từ 5.000- 10.000 tấn.Ảnh: HOÀNG MINH

Vai trò thiết yếu

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hệ thống sông ngòi ĐBSCL dài gần 28.000km, trong đó 13.000km phục vụ vận tải thủy.

Toàn vùng có khoảng 160 ngàn phương tiện với tổng công suất máy hơn 5,5 triệu CV (mã lực), tổng trọng tải hàng hóa khoảng 5 triệu tấn; lưu lượng hàng hóa vận chuyển đạt 51,5 triệu tấn/năm.

Tất cả các dòng sông chính cùng các phụ lưu, kinh rạch tại ĐBSCL liên hoàn chảy qua tất cả các khu công nghiệp tập trung, khu dân cư, các vùng tài nguyên,… có tính kết nối, giao lưu rất thuận lợi.

So với đường bộ, mật độ của các tuyến đường thủy cao gấp 3 lần, chiếm gần 70% tổng lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm.

Riêng Vĩnh Long, theo ông Đặng Quang Tấn- Phó Ban Quản lý Các khu công nghiệp, tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt so với các tỉnh khác nằm ở hạ nguồn lưu vực sông Mekong.

Nối liền 2 dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang theo hướng Bắc Nam là sông Măng Thít, cùng với mạng lưới sông ngòi phân bố tương đối đồng đều đã làm cho Vĩnh Long trở thành nút giao thông nối liền giữa các vùng trong khu vực và lưu thông quốc tế thông qua các cửa biển: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An,...

Toàn tỉnh có trên 1.700km đường thủy nội địa; có 3 cảng thủy nội địa gồm: cảng Vĩnh Long nằm trên sông Tiền, cảng Bình Minh nằm trên sông Hậu và cảng An Phước nằm phía đầu sông Măng Thít.

Lưu lượng hàng hóa thông qua 3 cảng này bình quân 700.000 tấn/năm. Trên 460 bến thủy nội địa, ưu thế đường thủy cũng góp phần vào chuyên chở nguyên liệu, nông sản xuôi ngược khắp nơi.

Tiềm năng cảng biển còn rất lớn

Sông Tiền- tuyến đường thủy quan trọng nối Vĩnh Long với các tỉnh và quốc tế. Trong ảnh: Lưu thông hàng hóa trên sông Tiền. Ảnh: DƯƠNG THU

Hiện nay tàu trọng tải lớn đã vào được sông Tiền, sông Hậu, đây cũng là lợi thế để Vĩnh Long khai thác khu công nghiệp- cảng biển phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.

Theo ông Lê Minh Trí- Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Vĩnh Long, nhu cầu chuyên chở hàng hóa, nông sản bằng đường thủy lên xuống cảng tăng mạnh những năm gần đây.

Vị trí Cảng Vĩnh Long khá thuận lợi, cách Sân bay Cần Thơ chỉ 40km, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 130km, rất nhiều doanh nghiệp trong khu- tuyến công nghiệp trên địa bàn chọn đây làm nơi trung chuyển.

Cùng với giao thông thủy, du lịch, nghỉ dưỡng trên sông nước những năm gần đây cũng khá hấp dẫn, thu hút hàng ngàn tàu, đò phục vụ du khách đã và đang nổi lên như một yếu tố tiềm năng của tỉnh, đem lại nguồn thu nhập cho người dân và các địa phương.

Hàng hóa của các doanh nghiệp này từ các nơi chuyển đến bằng xà lan và ngược lại rồi đem đi phân phối. Cảng có tổng diện tích 2,4ha, hệ thống kho bãi, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu từ 5.000- 10.000 tấn. 

Sản lượng hàng hóa vào cảng hàng năm khoảng 500 ngàn tấn, chủ yếu là gạo, phân bón, thép, vật liệu xây dựng, than đá… chuyển tới TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và phía Bắc.

“Hầu hết doanh nghiệp rất chú trọng cảng Vĩnh Long, bởi phục vụ chuyên nghiệp, vị trí thuận lợi và giá cả hợp lý”- ông Lê Minh Trí nói, đồng thời lý do nhiều doanh nghiệp lựa chọn vận chuyển đường thủy, là bởi chở được khối lượng lớn.

Cụ thể, vận chuyển 3.000 tấn hàng hóa bằng đường bộ, trung bình mỗi xe chở 30 tấn thì cần tới 100 xe, trong khi đường thủy chỉ 1 xà lan là đủ đáp ứng nhu cầu và hạn chế rất lớn tai nạn giao thông.

Đó cũng là lý do hiện không riêng doanh nghiệp trên địa bàn mà nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp, Tiền Giang chọn cảng Vĩnh Long làm nơi bốc dỡ hàng hóa.

Trong khi đó, từ khi thông xe cầu Cần Thơ, dự án Cảng- Khu công nghiệp- Nhà ở chuyên gia Bình Minh (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), nằm sát bên đường dẫn cầu Cần Thơ do Công ty CP Tư vấn- Thương mại- Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân MêKông đầu tư đã trở nên sôi động.

Với tổng diện tích khoảng160ha, trong đó cảng và logistics có diện tích trên 130ha. Theo quy hoạch, tại đây sẽ hình thành một khu liên hợp công nghiệp đồng bộ, hiện đại.

Dự án có vị trí địa lý hết sức thuận lợi “tiền sông, hậu lộ” ven QL1 và giáp sông Hậu, cách trung tâm TP Cần Thơ 5km, Sân bay Quốc tế Cần Thơ chỉ hơn 15km và cách TP Hồ Chí Minh 160km.

Cảng Bình Minh lại nằm ngay trong khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch nhóm cảng biển số 6 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 15.000- 20.000 DWT (năng lực vận tải an toàn của tàu thủy tính bằng tấn).

Luồng Định An được khơi thông, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp hàng hóa qua bến cảng này.

Mặt khác, theo ông Đặng Quang Tấn, hiện nay tàu trọng tải lớn đã vào được sông Hậu, đây cũng là lợi thế để Vĩnh Long khai thác khu công nghiệp- cảng Bình Minh phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2020, cảng biển ĐBSCL có khả năng đón trên 35,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Riêng cảng biển Vĩnh Long, nhu cầu hàng hóa thông quan khoảng 0,6- 0,7 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,9- 1,1 triệu tấn/năm. Đây là định hướng, mục tiêu tận dụng tối đa thế mạnh của khu vực ĐBSCL, thúc đẩy sự phát triển của vùng và Vĩnh Long nói riêng thông qua việc cải thiện hệ thống logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải, đã đề ra các chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện như: đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO…). Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển.

Theo HOÀNG MINH (Báo Vĩnh Long)