Vĩnh Long- "vùng đất mở" chủ động hợp tác phát triển

30/04/2018 - 09:45

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Vĩnh Long đã bắt tay chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng quê hương.

A A

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư (MOU) cho 32 dự án với số vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Vĩnh Long đã tận dụng lợi thế, các điều kiện sẵn có, nắm bắt từng cơ hội, vượt qua mọi khó khăn để vực dậy kinh tế- xã hội lúc bấy giờ đang rơi vào tình trạng trì trệ, đói nghèo.

Với niềm tin quyết thắng “ta xây dựng gấp mười ngày nay”, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một “vùng đất mở” năng động, chủ động hợp tác phát triền bền vững.

Nhớ một thời kinh tế hẹp hòi

Vĩnh Long hiện nay được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế trong bức tranh phát triển năng động chung của khu vực ĐBSCL.

Trong đó, cùng với lợi thế lớn là kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Hiện có 2 khu công nghiệp đang hoạt động và tiếp tục kêu gọi đầu tư 3 khu công nghiệp khác, cùng tuyến công nghiệp Cổ Chiên đang hoạt động và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đều khắp.

Kinh tế tư nhân được tỉnh quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Có thể thấy, nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Long đang trên đường tiến tới công nghiệp hóa. Nhìn lại “diện mạo” kinh tế hơn 43 năm về trước, thật khó hình dung nổi.

“Hồi mới giải phóng, nông nghiệp Vĩnh Long chủ yếu là cây lúa. Còn công nghiệp hầu như không có gì…”- ông Hồ Minh Mẫn (Mười Mẫn)- nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (giai đoạn 1984-1992)- nói vậy.

Còn trong ký ức sâu đậm của mình, ông Đặng Văn Quảng (Mười Quảng)- Bí thư Đảng ủy Ty Thương binh những năm 1976-1980- gọi đây là thời kỳ “kinh tế hẹp hòi”. Hoạt động bán buôn hầu như không có, sản xuất kinh doanh nhiều bó buộc.

Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, nông dân rất chật vật. Hồi ấy, thương nghiệp chỉ bao cấp. Ông nhớ như in việc xếp hàng mua theo định suất, mua 1 hộp quẹt diêm cũng phải xin giấy. Mà hàng hóa chỉ những thứ tối thiểu nhất: gạo, xà bông, hộp quẹt, đường, bột ngọt… có khi xếp hàng tới phiên mình lại hết hàng.

Thật khó tưởng tượng nổi hồi ấy, cả tỉnh Vĩnh Long chỉ có một số ngành nghề như xay xát, lò gạch, lò đường, sửa chữa cơ khí, cưa- xẻ gỗ quy mô rất nhỏ; nghề dệt thủ công con thoi, chủ yếu dệt khăn tắm, vải mùng. Nhưng, ông Phạm Văn Khôn từng giữ chức vụ Phó Ban Kinh tế Kế hoạch của tỉnh năm 1975, bảo đó là “diện mạo” kinh tế của Vĩnh Long một thời.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (giai đoạn 2001-2008)- cũng cho biết, phải đến năm 1986, cùng với cả nước, Vĩnh Long bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới.

“Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long năm 1992, tỉnh ra sức xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường sá. Đến năm 2000, cơ bản “xóa cầu khỉ”, đê bao khép kín kết hợp giao thông xe 2 bánh tới xã vùng sâu, vùng xa”- ông kể lại giai đoạn kiến thiết gian lao mà sôi nổi- “song song trường học, trạm y tế dần ngói hóa. Điện lưới quốc gia được kéo tới, nước sạch cũng nối bước theo về nông thôn”.

Ông tiếp: “Ngay khi bắt tay kiến thiết xây dựng quê hương, lãnh đạo tỉnh sớm nhận ra định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long lấy nông nghiệp làm nền tảng, đồng thời phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ tạo công ăn việc làm, giúp người dân khá lên”.

Kiến tạo môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng

Theo ông Trương Văn Sáu, từ rất sớm Vĩnh Long đã định hướng việc cởi mở thông thoáng chính sách tạo điều kiện cho người dân làm ăn.

Đồng thời, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển được xem là một cuộc “cách mạng” mới, được kỳ vọng đưa tỉnh Vĩnh Long từ một tỉnh trung bình khá tiến tới vị trí khá của khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: “Nhận thức và xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian qua, song song với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long đã liên tục nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp”.

Trong 10 năm qua, kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long luôn ở nhóm khá trở lên. Kết quả PCI năm 2017, Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 6, trong nhóm “Tốt” bảng xếp hạng.

Duy trì được thứ hạng cao là sự quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long cùng sự ghi điểm hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cũng vậy, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Vĩnh Long thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao. Đó là những dấu hiệu tích cực khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

“Đến với Vĩnh Long, cùng với việc góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, được hỗ trợ các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai và định hướng thực hiện.

Các nhà đầu tư sẽ tìm thấy được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp”- ông Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh.

Tỉnh luôn khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến.

Chủ động hợp tác phát triển bền vững

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, đã có nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đóng góp cho tỉnh, đặc biệt Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ- Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Vĩnh Long tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Muốn đón được nhà đầu tư lớn, chính quyền Vĩnh Long cần cầu thị, lắng nghe, đổi mới và hành động để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là yêu cầu rất lớn đối với địa phương.

Một chính quyền kỷ cương, liêm chính, kiến tạo, năng động, hiệu quả phục vụ cho doanh nghiệp không phải là bước tiến mà là bước chuyển để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tiếp tục tạo nguồn nhân lực chất lượng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng…”.

Hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của tỉnh Vĩnh Long là cần hoàn thiện quy hoạch, xác định rõ tầm nhìn, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành kinh tế. Vĩnh Long cần huy động mọi nguồn lực khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế”.

Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thu hút vốn đầu tư, nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên đường tiến tới công nghiệp hóa, Vĩnh Long đã có đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, được đào tạo tay nghề cao.

“Tôi xin nhấn mạnh rằng, Vĩnh Long cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Theo đó, tỉnh đã và đang xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền thân thiện, chuyên nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với công khai, minh bạch hóa thông tin.

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh”- Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón nhấn mạnh cam kết.

Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Đến với Vĩnh Long là đến với “vùng đất mở, các nhà đầu tư sẽ tìm được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện. Các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, được hỗ trợ các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai và định hướng thực hiện.

Theo TRẦN PHƯỚC (Báo Vĩnh Long)