Vốn tiếp tục được “chảy mạnh” vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

15/11/2018 - 05:27

 - Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, tính đến cuối tháng 10-2018, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 65.447 tỷ đồng, tăng 7,66% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, chương trình cho vay tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 đạt 34.798 tỷ đồng (tăng 8,76% so với thời điểm 31-12-2017), chiếm 53,17% tổng dư nợ tỉnh.

Từ trồng trọt…

Đi đầu trong việc cho vay chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, trước hết phải kể đến vai trò của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang). Hiện nay, đơn vị này có mạng lưới phủ khắp các địa bàn trong tỉnh, đặc biệt khu vực nông thôn biên giới, góp phần cùng với tỉnh khai thác có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế biên giới mà Tỉnh ủy đã đề ra. Ngày 5-11 vừa qua, tại xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), Agribank An Giang đã làm lễ khai trương điểm giao dịch mới của Phòng Giao dịch Trung tâm Thương mại Tân Châu.

“Việc đưa điểm giao dịch mới vào hoạt động nhằm mở rộng mạng lưới, tập trung khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, biên giới, qua đó giúp Agribank An Giang từng bước chủ động cân đối nguồn vốn huy động để cho vay, nhằm mục đích đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương theo hướng tăng cao tỷ trọng thương mại và dịch vụ; khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp trên địa bàn biên giới tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng một cách dễ dàng” - Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang Bùi Thanh Quang thông tin.

Lãnh đạo Agribank chi nhánh An Giang cùng lãnh đạo TX. Tân Châu cắt băng khai trương Phòng Giao dịch mới

Gia đình bà Nguyễn Thị Lài (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) sản xuất 2ha lúa chất lượng cao. Bà Lài cho biết, nhờ đồng vốn của Agribank chi nhánh TX. Tân Châu mà hàng năm gia đình bà có được thu nhập ổn định, cùng với bà con trong xóm vươn lên làm giàu.

“Hai năm nay, lúa và hoa màu có giá, vì vậy đời sống nông dân không ngừng được nâng lên. Có được như vậy, bên cạnh việc nỗ lực đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, chọn các loại giống cho năng suất cao thì không thể không nói đến vai trò của Agribank chi nhánh TX. Tân Châu, trong việc tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định cho hiệu quả sản xuất hàng năm của gia đình tôi” - bà Lài khẳng định.

Đến chăn nuôi

Vốn được “chảy mạnh” vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, không chỉ để phục vụ cho lĩnh vực trồng trọt mà có cả lĩnh vực chăn nuôi, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua lúa, gạo xuất khẩu; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu cùng nhiều chương trình khác.

Cụ thể, tính đến cuối quý III-2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cho hộ nuôi thủy sản vay 2.799 tỷ đồng (tăng 21,32% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó cho vay nuôi cá tra 1.270 tỷ đồng, chiếm 45,37%/ tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản.

“Nhờ đồng vốn của ngân hàng mà trong năm 2018, nông dân nuôi cá đã phần nào hồi phục. Bởi mỗi 1ha mặt nước nuôi trồng hiện nay, nông dân phải đầu tư rất nhiều tiền. Nguyên nhân, thời tiết thất thường, việc ương nuôi cá tra giống bị hao hụt rất nhiều. Cá biệt có hầm tỷ lệ chết lên đến 80%, vì vậy thị trường đã xảy ra tình trạng khan hiếm con giống. Cá tra giống loại 30 con/kg, nông dân phải mua đến 72.000 đồng/kg để thả nuôi. Ngoài ra, thuốc thú y thủy sản, thức ăn đều tăng giá, vì vậy 1ha mặt nước nông dân đầu tư không dưới 5 tỷ đồng cho mỗi vụ. Không có vốn ngân hàng thì tiền đâu mà đầu tư cho xuể” - ông Lưu Văn Nam (ngư dân xã Đa Phước, An Phú) khẳng định.

Năm 2018 được xem là năm xuất khẩu được mùa, bởi 3 mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa, cá tra, rau màu xuất khẩu tốt, nhờ đó mà đồng vốn của ngân hàng phục vụ cho những chương trình trọng điểm này càng thêm ý nghĩa.

Với 61 tổ chức tín dụng, 146 chi nhánh cấp 2, 3 và phòng giao dịch, 156 điểm giao dịch đang hoạt động, có thể khẳng định rằng, mạng lưới ngân hàng đã phủ khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở An Giang…

“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm tín dụng của hội sở đến với người dân, doanh nghiệp, nhất là vùng sâu, vùng xa để người dân nhanh chóng nắm bắt” - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng thông tin.

Bài, ảnh: MINH HIỂN