Vui Xuân, nhớ thăm đồng ruộng

08/02/2018 - 07:39

 - Đêm lạnh, trưa có nắng nóng, sáng sớm có sương mù là thời tiết phổ biến của giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch hại phát sinh, có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa đông xuân. Do vậy, cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời.

Gần 12% diện tích nhiễm dịch hại

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nguyễn Văn Hiền cho biết, tính đến ngày 30-1-2018, toàn tỉnh đã gieo sạ được 233.294ha lúa, đạt 98,7% kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2017-2018.

Từ đầu vụ đến nay, có 27.929ha được ghi nhận bị nhiễm dịch hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, gồm: chuột 3.874ha (nhiễm nhẹ 3.862ha, nhiễm trung bình 12ha, tỷ lệ gây hại từ 1-15%), rầy nâu 2.201ha (mật số 750-1.500 con/m2), bệnh đạo ôn 11.643ha (nhiễm nhẹ 11.632 ha, nhiễm trung bình 8ha, nhiễm nặng 3ha, tỷ lệ gây hại từ 1-22%, bệnh cấp 1-9).

Thăm đồng, kiểm tra kỹ cây lúa là cách tốt nhất để quản lý dịch hại dịp Tết

Thăm đồng, kiểm tra kỹ cây lúa là cách tốt nhất để quản lý dịch hại dịp Tết

Đối với rầy nâu, dự kiến sẽ có một đợt rầy cám nở từ ngày 10 đến 20-2-2018 (từ 25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) trên lúa đẻ nhánh, làm dòng, trổ, ngậm sữa ở hầu hết các địa phương. Nông dân (ND) cần chú ý trên các giống nhiễm rầy như: Jasmine 85, lúa Nhật, nếp, OM4900, OM4218, IR50404, OM2514, OM5451, OM7347, OM6561, OM6377...

“Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép, ND tiến hành phun thuốc trừ rầy, tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn thấp (dưới 3 con/tép).

Khi phun thuốc, cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm: đúng thuốc (đúng thuốc trừ rầy, nên sử dụng thuốc chống lột xác, không sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc, không sử dụng nhóm cúc là nhóm thuốc trừ sâu cuốn lá để phun trừ rầy, không kết hợp thuốc đặc trị rầy với nhóm trừ sâu cuốn lá sẽ làm bộc phát rầy); đúng lúc (lúc rầy tuổi 23, có màu vàng lợt đến vàng nâu); đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước); đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá). Chú ý, không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ và sau trổ và nên tuân thủ thời gian cách ly” - ông Hiền lưu ý. 

Không được chủ quan

Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, với thời tiết sáng sớm có nhiều sương mù, cơ cấu giống nhiễm bệnh đạo ôn chiếm tỷ lệ cao là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục lây nhiễm, đặc biệt trên các ruộng sạ dầy, bón dư phân đạm, sử dụng giống nhiễm bệnh như: IR50404, OM4218, OM4900, OM5451, nếp, OM2514, OM6073, OM7347, IR50404, OM1490, Jasmine 85... Trong đó, cần chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên giống Jasmine 85, OM6976, IR50404...

Nên thăm đồng kỹ trước, trong và sau Tết để phát hiện sớm và đưa ra biện pháp phòng trị có hiệu quả, đặc biệt trên lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng - trổ. Đối với bệnh đạo ôn lá, chỉ nên phun thuốc khi phát hiện 1-2 vết bệnh đạo ôn điển hình trên ruộng. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, nên phun ngừa trước và sau trổ 7 ngày, phun từ 1,5 - 2 bình máy 25 lít/1.000m2, tuyệt đối không bón phân, sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng khi ruộng đang bị bệnh. 

Đối với sâu cuốn lá, dự báo khoảng giữa đến cuối tháng 2-2018 (từ 29 tháng Chạp đến 12-13 tháng Giêng), có đợt sâu non nở trên trà lúa đại trà đang đẻ nhánh đến làm đòng. Đây là đợt sâu chính trong vụ với mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình.

“Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu cuốn là khi mật số sâu cao (trên 20 con/m2) ở giai đoạn lúa đòng trổ, không sử dụng thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ hay cúc tổng hợp hoặc hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu vào giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa để bảo vệ hệ thiên địch, tránh bộc phát các loài dịch hại, nhất là rầy nâu ở giai đoạn sau của cây lúa” - ông Hiền nhắc nhở. 

Trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có thể lây nhiễm. ND phải thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sớm, khi thấy cây lúa bị bệnh rải rác cần nhổ và tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh. Đối với muỗi hành, có khả năng xuất hiện và gây hại trên trà lúa xuống giống muộn (gieo sạ từ đầu đến cuối tháng 1-2018).

Thời tiết tháng 2 thích hợp để muỗi hành gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng, nhất là trên những ruộng trồng giống nếp Thái mỡ, Jasmine 85, OM 6976, ĐS1...

Khi phát hiện muỗi hành đã gây hại, việc phun thuốc phòng trị hiệu quả không cao. ND nên áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác như: không bón thừa phân đạm, bón cân đối đạm, lân, Kali, quản lý nước tốt...

“Trong thời gian trước, trong và sau Tết, ND cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ, theo dõi diễn biến dịch hại; chủ động áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, bón phân nuôi đòng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lượng, đúng cách, đúng lúc). Các cấp chính quyền cần phân công cán bộ thăm đồng thường xuyên, giúp ND quản lý tốt dịch hại trong dịp Tết. Đối với Trạm TT&BVTV huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch phân công trực Tết, thăm đồng và báo cáo tình hình dịch hại về Chi cục TT&BVTV trước 15 giờ hàng ngày”- ông Hiền lưu ý

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN