WB đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của Việt Nam

27/06/2018 - 09:00

Chiều 26-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đoàn Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Victoria Kwakwa. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bày tỏ vui mừng gặp lại bà Victoria Kwakwa nhân dịp bà đến Việt Nam tham dự Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò và hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh WB là đối tác phát triển, cơ quan cung cấp tư vấn và đối thoại chính sách quan trọng của Chính phủ Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá các chương trình, dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ được xây dựng trên cơ sở chú trọng phát triển theo chiều sâu, phù hợp với định hướng của Việt Nam trong giai đoạn mới, tập trung vào các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. 

Bà Victoria Kwakwa cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về sự đón tiếp nồng hậu và nhận định, Việt Nam đăng cai tổ chức APEC Việt Nam 2017 thành công, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng lần này cho thấy vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trên trường quốc tế. 

Chúc mừng về những kết quả kinh tế mà Việt Nam đạt được thời gian qua, gần đây nhất là quý 1-2018 đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của quý đầu trong năm trong một thập kỷ qua. Đánh giá cán cân kinh tế vĩ mô tốt, đặc biệt là tỷ lệ nợ công trên GDP đang giảm, bà Victoria Kwakwa cho rằng Quốc hội đã rất tích cực trong chương trình lập pháp, xây dựng và ban hành nhiều văn bản luật liên quan; cho rằng, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong những kết quả này. 

Đánh giá lĩnh vực môi trường ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho biết vấn đề môi trường tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia, Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ Việt Nam xem xét, nghiên cứu để giải quyết những thách thức liên quan đến bảo vệ môi trường như: vấn đề rác thải độc hại qua con đường công nghệ, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp, rác thải nhựa... 

Đánh giá cao vai trò của Quốc hội trong đảm bảo an toàn nợ công, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, để đóng góp cho nỗ lực đảm bảo nợ công dưới mức trần mà Việt Nam đặt ra, Ngân hàng Thế giới đang đẩy nhanh những nỗ lực trong việc giám sát những dự án đang hợp tác với Việt Nam, đảm bảo các nguồn lực trong dự án được sử dụng một cách hiệu quả; rà soát lại danh mục các chương trình dự án hợp tác và đưa ra hướng tái cấu trúc, xem xét giảm và hủy các hợp phần không cần thiết; mong Quốc hội xem xét việc nâng, nới mức trần giải ngân trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo các dự án từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA) có thể triển khai tốt, kịp tiến độ... 

Tại buổi tiếp, ghi nhận những đề xuất của bà Victoria Kwakwa, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của nhà nước, hiện nay trình độ dân trí và ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Trong xây dựng pháp luật, vấn đề bảo vệ môi trường được thể hiện không chỉ trong Luật Bảo vệ môi trường mà còn được lồng ghép trong các văn bản luật khác. Việt Nam có những chế tài nghiêm khắc nếu phát hiện vi phạm trong lĩnh vực môi trường, cũng như có quy định khắt khe để không trở thành “bãi rác công nghệ.” 

Trong quá trình phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn quan tâm, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện giám sát tối cao, giám sát chuyên đề; quan tâm thực hiện cam kết quốc tế bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... 

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương về việc Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như quy định về nợ vay và cho vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh, đặc biệt là quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Thay vì trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho ba cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, Quốc hội đã thống nhất đưa nợ công về một đầu mối duy nhất quản lý là Bộ Tài chính. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Việt Nam ưu tiên giải ngân những chương trình, dự án có nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trên tinh thần đó, thời gian tới sẽ xem xét nâng mức trần giải ngân nhằm góp phần giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi từ WB. 

Nhằm tăng cường, phát huy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng với Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hài hòa xã hội và bền vững nguồn tài nguyên, môi trường. 

Về vấn đề tốt nghiệp IDA (dừng nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Victoria Kwakwa tiếp tục dành cho Việt Nam cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp hiệu quả, đảm bảo duy trì bền vững những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo mà Ngân hàng Thế giới đã góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được trong thời gian qua. 

Nhất trí với ý kiến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, bà Victoria Kwakwa cho rằng, về định hướng vay và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi sau khi tốt nghiệp IDA, Ngân hàng Thế giới sẽ giúp tìm nguồn hỗ trợ kỹ thuật đi kèm, huy động thêm nguồn viện trợ không hoàn lại; cùng với đó là hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, đặc biệt là mô hình kinh nghiệm phát triển nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình. Theo bà Victoria Kwakwa, nếu Việt Nam chuẩn bị tốt cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình...

Theo HOÀNG THỊ HOA (TTXVN/VIETNAM+)