Xã Lương An Trà xây dựng nông thôn mới

17/10/2019 - 07:58

Tiếp sau xã anh hùng Lương Phi, một địa phương từng có xuất phát điểm thấp của huyện Tri Tôn là xã Lương An Trà cũng đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ngay trong năm 2019. Hiện nay, xã đang tập trung vào 2 tiêu chí chưa đạt là đường giao thông và xây dựng chợ trung tâm. Thu hút đầu tư

Xã Lương An Trà xây dựng nông thôn mới

Khảo sát nông nghiệp ở xã Lương An Trà

Lương An Trà được biết đến là 1 xã thuần nông với diện tích tự nhiên khá rộng (8.903ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 7.500ha), có 1.917 hộ dân sinh sống, với 8.083 nhân khẩu. Khi được Ban Chỉ đạo tỉnh chọn là 1 trong 30 xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lương An Trà xem đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm phải hoàn thành. Bí thư Đảng ủy xã Lương An Trà Trần Nam Dương cho biết, xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực trong xây dựng NTM, địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị đơn vị sản xuất, đồng thời khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào lợi thế nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Lợi thế quỹ đất rộng, giao thông thủy, bộ thuận tiện đã giúp xã Lương An Trà thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Thắng đang triển khai đầu tư trang trại heo với tổng vốn 240 tỷ đồng, quy mô 12,6ha, sản xuất 39.200 con heo giống, heo thịt chất lượng cao/năm. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã đầu tư kho chứa, nhà máy xay xát - chế biến lúa, gạo với tổng vốn 142,9 tỷ đồng, quy mô 56.480m2, sản xuất 62.720 tấn gạo/năm. Đối với Công ty TNHH TM-DV Hải Thuận An Giang, đang hoạt động nhà máy chế biến bột cá với tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng trên diện tích 1ha, sản lượng 15.000 tấn/năm. Sau khi được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, Công ty Cổ phần Gạo Hạnh Phúc đang triển khai dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, quy mô 16ha trên địa bàn xã Lương An Trà. Sắp tới đây sẽ là dự án khu phức hợp sản xuất lúa hữu cơ và cụm kho bảo quản nông sản của Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (vốn đầu tư 110 tỷ đồng)...

Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Lê Văn Dùm cho biết, kết quả thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực tuyên truyền, nâng cao ý thức, sự đồng thuận tham gia của người dân, đến nay, xã đã đạt 17/19 tiêu chí, 47/49 chỉ tiêu xây dựng NTM. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển bộ mặt nông thôn của địa phương.

Phân công rõ trách nhiệm

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lương An Trà Trần Nam Dương, những tháng cuối năm 2019, xã sẽ tập trung hoàn thành 2 tiêu chí, chỉ tiêu còn lại để hoàn chỉnh hồ sơ, trình tỉnh xét công nhận xã NTM vào tháng 11-2019.

Để hoàn thành chỉ tiêu 2.3 (đường dân sinh không lầy lội vào mùa mưa), xã phải hoàn thành 19 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 5,63km. 9 tháng của năm 2019, địa phương được UBND huyện Tri Tôn phê duyệt 17 tuyến với tổng chiều dài xây dựng gần 4,5km. Hiện nay, xã còn 1,13km chưa được phê duyệt, gồm: đường nội bộ số 4 cụm dân cư ấp Giồng Cát (dài 176m) và đường tuyến dân cư Ninh Phước - Cây Gòn (dài 960m), kết cấu đều là mặt đường đất. Ông Dương cho biết, Đảng ủy đã phân công Phó Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Huỳnh Công Việt Hùng và ông Cao Quốc Thịnh (cán bộ giao thông - thủy lợi - công thương) trực tiếp liên hệ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tri Tôn để tham mưu trình UBND huyện phê duyệt các tuyến đường còn lại, đưa vào lộ trình thực hiện trong năm 2019.

Đối với tiêu chí 7 (chợ), xã tập trung cải tạo các hạng mục chợ trung tâm gồm: cống thu gom nước mặt, cải tạo lại hệ thống điện bố trí trong nhà lồng chợ, cải tạo phần mái tole chợ bị dột, xây dựng thêm ki-ốt, thuê tư vấn xây dựng đề án môi trường chợ… Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt giải tỏa việc họp chợ tự phát tại 2 đầu cầu Lò Gạch (giáp xã Lương An Trà và An Tức), vận động những hộ này về mua bán tại chợ trung tâm của xã. Nhiệm vụ này được phân công cho Chủ tịch UBND xã Lê Văn Dùm và ông Cao Quốc Thịnh xây dựng kế hoạch, đôn đốc thực hiện.

Xã Lương An Trà gồm 5 ấp (Cà Na, Giồng Cát, Ninh Phước, Cây Gòn và Phú Lâm), người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, mua bán nhỏ và đi lao động trong, ngoài tỉnh. Phía Đông xã giáp xã An Tức và Ô Lâm, phía Bắc giáp xã Lương Phi và Vĩnh Phước (Tri Tôn), phía Tây và Nam giáp tỉnh Kiên Giang.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN