Xây dựng “Gia đình học tập” ở TP. Long Xuyên

23/09/2019 - 07:46

 - Có thể thấy, việc phát triển “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập” đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập. Nhiều gia đình, dòng họ đã có con em trưởng thành từ truyền thống hiếu học, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) trên địa bàn TP. Long Xuyên phát triển mạnh mẽ. Các cấp, ngành và toàn xã hội tích cực hưởng ứng, đóng góp nhiều của cải vật chất, tinh thần phục vụ cho sự nghiệp KHKT ở địa phương. Qua đó còn thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống đạo lý văn hóa tốt đẹp trong nhân dân, góp phần thúc đẩy, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Hội KH các cấp ở TP. Long Xuyên tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập”; Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 8-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 20-3-2007 của Tỉnh ủy An Giang về “Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với Hội KH”… Hàng năm, các hội cơ sở đều có kế hoạch xây dựng, phát triển “Gia đình hiếu học” ở địa bàn khóm, ấp; làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với lực lượng xã hội ở địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động từng khóm, ấp tham gia xây dựng, phát triển “Gia đình hiếu học” ở địa phương thông qua việc phổ biến tiêu chuẩn “Gia đình hiếu học”; tổ chức cho các gia đình có điều kiện đăng ký phấn đấu trở thành “Gia đình hiếu học”; công nhận “Gia đình hiếu học” ở địa bàn khóm, ấp.

Trường Phổ thông thực hành Sư Phạm (Trường Đại học An Giang) thực hiện hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”

Theo Hội KH TP. Long Xuyên, từ khi triển khai Đề án số 01/ĐA-HKH ngày 13-9-2011 của Hội KH An Giang về “Củng cố tổ chức và hoạt động Hội KH tỉnh An Giang, giai đoạn 2011-2015”, ở các chi hội khóm, ấp, cán bộ công tác mặt trận kiêm nhiệm phụ trách chi hội, hoạt động KH được lồng ghép với hoạt động của ban công tác mặt trận. Qua đó, việc xây dựng “Gia đình hiếu học” được thuận lợi hơn so với thời gian trước. Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được phát triển và nâng cao chất lượng.

Hàng năm, các địa phương đều gắn việc xây dựng “Gia đình hiếu học” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nên số lượng “Gia đình hiếu học” ở các địa phương nâng lên đáng kể. Nếu năm 2011, toàn thành phố chưa đến 3.000 thì đến tháng 6-2019 đã phát triển 42.418 “Gia đình hiếu học”, 17 “Dòng họ hiếu học”; trên 50.336 hội viên Hội KH (chiếm hơn 18,78% tổng dân số của địa phương) và 179 chi hội KH. Đây là những hạt nhân của phong trào xây dựng xã hội học tập, góp phần thắt chặt mối quan hệ trách nhiệm giữa gia đình với nhà trường và xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, có nhiều “Gia đình hiếu học” tiêu biểu, là gương tốt để vận động trong cộng đồng tham gia phát triển phong trào KHKT ở địa phương…

Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình góp phần vun bồi truyền thống hiếu học cho con em mình, không để con em mình bỏ học. “Gia đình hiếu học” phải là hạt nhân nòng cốt, gương mẫu để tác động đến nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa của hoạt động KHKT. Thật vậy, dẫu có “một trăm bài diễn thuyết hay” vẫn “không bằng một tấm gương sống”. Một tấm gương sáng về tinh thần ham học sẽ có giá trị, ý nghĩa rất lớn, nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần học tập, cầu tiến trước hết là những người trong dòng họ, sau đó lan tỏa ra cộng đồng xã hội.

Kết quả vận động xây dựng và phát triển các “Gia đình hiếu học” của Hội KH đã góp phần cùng với ngành giáo dục và đào tạo động viên ý thức, động lực học tập của học sinh. Đồng thời, khích lệ các em học giỏi phát huy năng lực học tập, phát triển ước mơ, hoài bão để trở thành người có ích. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, ngăn dòng bỏ học và góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Bài, ảnh: P.V

 

Liên kết hữu ích