Xây dựng hình mẫu trong kinh tế hợp tác

14/02/2019 - 07:40

 - Trong bối cảnh hội nhập, sản xuất nông nghiệp theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm không còn phù hợp. Tuy nhiên, để khuyến khích nông dân tham gia kinh tế hợp tác, cần phải xây dựng hình mẫu hợp tác xã (HTX) hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên. HTX nông nghiệp An Bình (Thoại Sơn) là một trong những nơi đủ điều kiện làm được điều đó.

Mở rộng quy mô hoạt động

Cuối tháng 10-2015, HTX nông nghiệp An Bình chính thức ra mắt. Dù được thành lập theo Luật HTX năm 2012 nhưng nông dân nơi đây không mấy tin tưởng vào thành công của mô hình HTX kiểu mới này, bởi trước đây địa phương này cũng có thành lập HTX nhưng hoạt động không hiệu quả.

Lần này, HTX nông nghiệp An Bình quyết tâm đổi mới khi cùng với nông dân trực tiếp sản xuất, còn có sự tham gia của doanh nghiệp. Trên cơ sở vùng nguyên liệu “Cánh đồng lớn” đã hình thành nhiều năm, Tập đoàn Lộc Trời cử thành viên tham gia vào Ban Giám đốc HTX như một cách cung cấp nguồn nhân lực giúp HTX hoạt động ổn định, tạo thuận lợi hơn trong liên kết hợp tác với nông dân. HTX đã thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ cày xới, máy cấy lúa, đội phun thuốc, cắt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, làm đầu mối thu mua lúa cung ứng cho Nhà máy Lương thực Thoại Sơn (thuộc Tập đoàn Lộc Trời)... “Bên cạnh cung ứng giống, chúng tôi còn nhận vật tư nông nghiệp từ Tập đoàn Lộc Trời để cung cấp cho thành viên, giá tương đương với đại lý cấp 1. So với mua đại lý cấp 2, 3, thành viên được hưởng lợi hơn” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp An Bình Trịnh Công Minh thông tin.

Hợp tác xã nông nghiệp An Bình được đoàn công tác tỉnh “xông đất” đầu năm mới

Ông Minh cho biết, đến nay, HTX có 68 thành viên tham gia với diện tích 290ha, tăng 24 thành viên và 100ha so với buổi đầu thành lập. Diện tích sản xuất đều liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. “Vụ đông xuân này, có 121ha liên kết canh tác giống Lộc Trời 18, được Tập đoàn Lộc Trời thu mua giá 6.500 đồng/kg ngay từ đầu vụ. Đối với diện tích sản xuất giống Lộc Trời 1 và OM5451, được Tập đoàn Lộc Trời thỏa thuận thu mua theo giá thị trường khi đến thời điểm thu hoạch” - ông Minh chia sẻ.

Hỗ trợ cơ chế đặc thù

Cùng với mở rộng quy mô liên kết sản xuất, HTX nông nghiệp An Bình còn được hỗ trợ trụ sở hoạt động mới rộng rãi, khang trang, nằm trên tuyến đường chính nối từ cầu Mướp Văn (xã Vọng Thê, Thoại Sơn) ra cầu số 5 (xã Vĩnh Bình, Châu Thành), thuận lợi cả đường thủy và đường bộ. Tại trụ sở được bố trí Cửa hàng dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh trưng bày, cung ứng vật tư nông nghiệp cấp 1, nơi đây dự kiến còn cung cấp sản phẩm gạo sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn với giá hợp lý cho người dân, doanh nghiệp trong vùng.

Ngay ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã chọn HTX nông nghiệp An Bình để “xông đất” đầu năm, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Cùng đi “xông đất” HTX còn có Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn… Trong không khí mừng xuân mới, đoàn công tác tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để HTX hoạt động tốt hơn. Đối với dịch vụ thu mua lúa, đại diện Nhà máy Lương thực Thoại Sơn cam kết cho tạm ứng đến 70% giá trị hàng hóa sau khi thẩm định chất lượng lúa trên đồng. Phương án giúp HTX có nguồn vốn trả tiền cho thành viên ngay sau khi thu hoạch, không phải chờ vận chuyển về nhà máy, nhập kho, thực hiện các thủ tục, giấy tờ mất đến mấy ngày rồi mới chi tiền như trước đây.

Một lối mở khác để HTX nông nghiệp An Bình tăng thêm lợi nhuận, thu hút thành viên tham gia là đưa vào canh tác theo Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) kết hợp xây dựng thương hiệu gạo đạt SRP kèm GlobalGAP. “Đối với nông dân, khi giá lúa bán cao hơn từ 50 - 100 đồng/kg đã phấn khởi. Khi đạt tiêu chuẩn SRP, giá bán cao hơn đến 300 đồng/kg, vậy có kích thích nông dân không?” - ông Huỳnh Văn Thòn đặt vấn đề. Đáp lại, ông Trịnh Công Minh cho biết, nông dân An Bình hoàn toàn có thể sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế bởi đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất sạch, an toàn.

 Để xây dựng HTX nông nghiệp An Bình thành mô hình kiểu mẫu trong kinh tế hợp tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư giao Sở NN&PTNT nghiên cứu trang bị cho HTX 4 máy cấy lúa hiện đại, Tập đoàn Lộc Trời trang bị thêm 1 máy cấy lúa để HTX đủ sức cung ứng dịch vụ cấy lúa bằng máy diện tích lớn, tiến tới sản xuất lúa gạo đạt chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, mở rộng thêm các dịch vụ khác, thật sự mang lại lợi ích cho xã viên và HTX. Từ kinh nghiệm của HTX kiểu mẫu này, sẽ nhân rộng ra các HTX khác nhằm thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN