Xây dựng lại hình ảnh nghề giáo

01/01/2019 - 07:38

 - Những sự việc liên quan đến ngành giáo dục thời gian qua đã và đang gây nhức nhối dư luận, vì đó là những người thầy, cô hàng ngày đứng trên bục giảng, giảng dạy cho học sinh bao điều hay lẽ phải. Hình ảnh đẹp về nghề nhà giáo rồi sẽ đi về đâu trước thực trạng suy đồi đạo đức quá nhanh của một bộ phận xã hội? Do vậy, việc chấn chỉnh lại những việc làm chưa tốt, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức nghề giáo là việc ngành giáo dục các địa phương đang nỗ lực hiện.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua, cùng với nhiều hoạt động giáo dục tích cực, ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn, nhiều tấm gương sáng trong đội ngũ thầy cô giáo tận tụy với nghề nghiệp, vượt lên những khó khăn, hết lòng vì học sinh thân yêu. Song, ở một vài nơi vẫn còn hiện tượng cán bộ, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Trước tình hình trên, cần phải tăng cường công tác quản lý và giáo dục không để việc vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra trong ngành giáo dục và đào tạo. Thực hiện công văn số 5553/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 6-12-2018 của Bộ GD&ĐT về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện tốt một số nội dung chính yếu. Đó là tiếp tục triển khai công văn 617/SGDĐT-CTTT ngày 4-5-2016 của Sở GD&ĐT về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo nhằm thực hiện tốt công văn số 1464/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 5-4-2016 về tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo; triển khai tốt Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT ngày 7-5-2018 về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-4-2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo; các quy tắc ứng xử trong trường học, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị.

Các trường học xây dựng tốt nề nếp sư phạm và chăm lo đời sống giáo viên

Song song đó là thực hiện tốt các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT tạo về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bản thân mỗi giáo viên cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp; giúp đỡ kịp thời các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và công tác; cam kết trong nhà trường, trong cơ quan quản lý giáo dục không có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo; chú trọng việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ tư vấn về tâm lý có liên quan đến hoạt động sư phạm của nhà giáo.

Các phòng GD&ĐT, các trường học, lãnh đạo, giáo viên cần nêu cao tính gương mẫu trong đội ngũ nhà giáo về lối sống, đạo đức trong mọi sinh hoạt, mọi lúc, mọi nơi; chú ý về hành vi ứng xử, lời nói, hành động đúng; giữ vững kỷ cương trường học; tuyên dương các gương điển hình, gương sáng về đạo đức nhà giáo, định kỳ tổ chức các hoạt động tôn vinh các nhà giáo và các điển hình tiên tiến. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra và lồng ghép nội dung kiểm tra về đạo đức nhà giáo đối với cơ sở (ít nhất 2 lần/năm học/đơn vị trực thuộc). Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra thường xuyên tại đơn vị; trao đổi thông tin, kịp thời về việc vi phạm đạo đức nhà giáo, đồng thời giải quyết nhanh các phản ảnh, khiếu nại, tố cáo các vi phạm về đạo đức nhà giáo theo thẩm quyền. Các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo đúng quy định của nội quy, quy chế, pháp luật và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị, các tổ chức liên quan có nhà giáo, cán bộ quản lý vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nghề nhà giáo là nghề thiêng liêng và cao quý, được xã hội tôn vinh biết bao đời nay. Do vậy, việc xây dựng lại hình ảnh nhà giáo là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay và rất cần sự nỗ lực của ngành giáo dục và chính mỗi giáo viên mang tên “kỹ sư trồng người”.    

NGỌC GIANG