Xây dựng văn hóa học đường

25/09/2019 - 07:52

 - Bạo lực học đường (BLHĐ) đang là vấn đề “nóng”, không chỉ gây bức xúc trong ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ BLHĐ còn là dấu hiệu của sự sa sút về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh (HS) hiện nay. Để tìm ra giải pháp ngăn chặn BLHĐ thì không riêng gì ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Điểm lại một số vụ bạo lực học đường  cho thấy, trước hết bắt nguồn từ sự sa sút về đạo đức của một số HS, các em thiếu kỹ năng sống, bị ảnh hưởng bạo lực qua phim ảnh, game bạo lực và cuộc sống ngoài xã hội. Mặt khác, còn do tâm lý tuổi mới lớn, dễ bốc đồng, thích thể hiện… Đó còn do giáo dục còn nặng về kiến thức văn hóa, chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách HS, “Tiên học lễ, hậu học văn”; một thời gian dài chúng ta xem môn “Đạo đức”, “Giáo dục công dân” là môn học phụ. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực học đường còn do giáo viên chưa nắm chắc sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi HS, kỹ năng sư phạm, theo dõi và quan sát, phát hiện những nhu cầu trong từng thời kỳ phát triển của các em; chưa quan tâm xử lý nhằm hóa giải những mâu thuẫn giữa HS với nhau khi sự việc mới bộc phát, dẫn tới những bức xúc, căng thẳng, gây ra bạo lực học đường. Công tác tư vấn tâm lý học đường, các thiết chế cần thực hiện (như bộ quy tắc ứng xử trong trường học, sự phối hợp từ gia đình - nhà trường - xã hội, sân chơi lành mạnh cho HS...) còn hạn chế.

Tăng cường giáo dục toàn diện “đức - trí - thể - mỹ” cho học sinh 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Bình Thư cho rằng, thời gian qua, ngành GD&ĐT An Giang đã ban hành nhiều văn bản, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Từ đó, đã có tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số trường học chưa xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện tại đơn vị, chưa xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học; công tác tuyên truyền phổ biến văn hóa ứng xử học đường chưa được đẩy mạnh; nội dung dạy học còn nặng về kiến thức văn hóa, HS không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giúp các em nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, biết nhận diện, lên án và tránh xa các hành vi bạo lực. Một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS chưa được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa. Nhất là sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội chưa tốt; sự phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc giải quyết, xử lý các vụ bạo lực học đường chưa kịp thời, hiệu quả.

Theo Sở GD&ĐT, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trước hết là lãnh đạo của một số trường học thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan; nhận thức của một vài giáo viên, nhân viên còn hạn chế. Công tác Đoàn, Đội ở một số trường chưa phát huy hết vai trò, nhiều phong trào mang tính hình thức, thiếu sáng tạo, thiếu sân chơi cho HS. Một bộ phận phụ huynh thiếu quan tâm đến việc học tập của con em mình, còn tư tưởng “khoán trắng” việc giáo dục cho nhà trường. Không ít trường học chưa mạnh dạn công khai những vụ việc xâm hại, bạo lực xảy ra trong đơn vị, sợ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích thi đua, chỉ khi nào báo chí phanh phui, bị phản ánh mới tiến hành xử lý.   

“Ngoài nỗ lực của ngành GD&ĐT, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan để đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS; đồng thời giải quyết thấu đáo những vụ việc xảy ra. Qua đó, giúp ngành GD&ĐT tỉnh nhà thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, tiến bộ, phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp cho HS”- ông Võ Bình Thư nói. 

* 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ xâm hại trẻ em (ở huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên). Các đối tượng bị xâm hại là HS tiểu học yếu thế (từ 7-9 tuổi). Đối tượng xâm hại các em thuộc nhiều thành phần, có hiểu biết, có trường hợp đã từng vào tù vì tội hiếp dâm trẻ em nhưng vẫn phạm tội. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ BLHĐ (ở huyện Phú Tân, Tri Tôn và TP. Long Xuyên).

** Trước thực trạng đạo đức, lối sống, kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, sinh viên đang xuống cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD&ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, hiệu quả, bảo đảm các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác.

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH