Xoá bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc 8 lĩnh vực ngành công thương

16/01/2018 - 08:41

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP nhằm sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, xóa bỏ 675 điều kiện kinh doanh như kiến nghị trước đó của Bộ này.


Điều đặc biệt là Nghị định được Thủ tướng ký ngay tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra ngày 15/1. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành. Ảnh: moit.gov.vn

675 điều kiện đầu tư kinh doanh chiếm tỷ lệ 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý. Đây là con số rất lớn, chứng tỏ Bộ Công Thương đang quyết tâm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo quy định tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP thuộc 8 lĩnh vực là: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.

Liên quan đến việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện: Thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, chiếm hơn 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương; xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã hồ sơ phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ lên tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính của Bộ; triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương.

Cùng với đó là thực hiện áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương.

Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá ngành Công Thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính.

Năm 2018, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của ngành, trong đó tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Theo HOÀNG DƯƠNG (Báo Tin tức)