Xoa dịu nỗi đau da cam

10/08/2018 - 07:18

 - Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn hằn sâu trong suốt chiều dài đất nước, trong mỗi tên làng, tên đất. Đã 57 năm kể từ ngày Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống lãnh thổ Việt Nam, chất độc vẫn còn tồn lưu dai dẳng. Theo thời gian, môi trường sinh thái có thể được phục hồi, nhưng với tất cả những ai đã từng bị phơi nhiễm, là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin thì hậu quả thật khủng khiếp.

Tội ác dioxin

Chưa có nơi nào trên Trái đất này, khi mà một đất nước với chiều dài chưa đến 1.700km nhưng mỗi tỉnh, thành phố đều có nghĩa trang liệt sĩ. Hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh để giữ vững nền độc lập nước nhà. Cùng với đó, có hàng triệu thương bệnh binh và hơn 4,8 triệu người nhiễm chất độc hóa học (trong đó có chất độc da cam/dioxin) đang từng ngày, từng giờ gánh chịu nỗi đau tột cùng với những dị tật trên thân thể.

Theo các cứ liệu lịch sử, trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam (từ năm 1961-1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon (tương đương 68 triệu lít) chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 20% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu ha rừng và đất nông nghiệp.  

Xem các thước phim tư liệu chiến tranh mới thấy hết tội ác của giặc Mỹ đã gieo rắc lên đất nước Việt Nam. Những cánh rừng bạt ngàn màu xanh bị rải chất độc hóa học trở nên trơ trụi lá. Chất độc dioxin theo đó còn thấm sâu vào lòng đất, vào sông, ao, hồ… làm cho vạn vật không sống được! Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh. Số người bị ảnh hưởng bởi chất độc này có thể lên đến hàng chục triệu người, nhiều gia đình có đến 4 thế hệ phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng. Hàng triệu trẻ em là con, cháu của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang phải chịu đựng những nỗi đau đớn về thể xác, cùng những di chứng để lại…

Trong 18 năm nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam/dioxin đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người. Chất độc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia kháng chiến, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3, thứ 4 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện bệnh lý.

Chất độc da cam/dioxin không chỉ ảnh hưởng về di truyền, mà còn gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm da cam/dioxin. Đặc biệt, ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Vì vậy, số người bị ảnh hưởng chất độc này không chỉ dừng ở 4,8 triệu người, mà có thể nhiều hơn…

Chung tay xoa dịu

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, An Giang có trên 10.000 người, bao gồm người tham gia kháng chiến, người dân sống trong vùng căn cứ kháng chiến và thế hệ thứ 2, thứ 3 (tức con cháu của họ sinh ra) bị nhiễm, phơi nhiễm chất độc hóa học, bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng lao động, với tỷ lệ từ 21 - 81% và rất nhiều người mang bệnh hiểm nghèo.

Đến nay, toàn tỉnh có 556 người (453 người tham gia kháng chiến và 103 người là con đẻ của họ) bị nhiễm chất độc hóa học đang được ngân sách tỉnh trợ cấp hàng tháng từ 850.000 - 3.231.000 đồng/nguời, tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đặng Phong Vũ cho biết: nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội và các tầng lớp Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra đối với môi trường và người dân ở An Giang từng bước được nâng lên. Các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp quỹ bằng tiền mặt và hiện vật để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin năm sau cao hơn năm trước (1,106 tỷ đồng năm 2015; 1,123 tỷ đồng năm 2016; 1,311 tỷ đồng năm 2017).

Đặc biệt từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động quỹ bằng tiền mặt và hiện vật (quà, xe lăn) quy ra tiền trên 1,7 tỷ đồng. Qua đó, cất mới 14 căn nhà, sửa chữa 2 căn nhà Tình thương cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 800 triệu đồng. Tổ chức trao 2.295 suất quà, 78 xe lăn, với tổng trị giá 844 triệu đồng.

Ngoài ra, trợ cấp khó khăn đột xuất cho 1 hộ gia đình nạn nhân (4,8 triệu đồng) và hỗ trợ thường xuyên cho 4 hộ nạn nhân nghèo, mỗi hộ 1 triệu đồng/tháng. Hỗ trợ 11 hộ nạn nhân nghèo vay vốn để mua, bán nhỏ với số tiền 110 triệu đồng (lãi suất bằng 0), thời hạn vay 5 năm, giai đoạn 2018-2023. Phối hợp với Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang tuyên truyền kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp, giúp đỡ 3 gia đình nạn nhân nghèo, ốm đau thường xuyên ở huyện Thoại Sơn và TP. Châu Đốc được 21 triệu đồng…

Hiện, số lượng nạn nhân bị nhiễm, nghi phơi nhiễm chất độc hóa học, bị dị dạng, dị tật do chất độc da cam/dioxin có nhu cầu được chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ về nhà ở, xe lăn, quà khi ốm đau, tử tuất và hỗ trợ khó khăn đột xuất, thường xuyên rất lớn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu này còn hạn chế và phụ thuộc vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh mong nhận được sự đồng hành của toàn xã hội để có thêm điều kiện chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.  

HỮU HUYNH