Xôm tụ việc làm thời vụ

02/01/2019 - 07:33

 - Đến hẹn lại lên, lao động thời vụ được dịp tìm việc làm với mức thu nhập khá. Hàng loạt các hoạt động tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã xôm tụ hơn từ thời điểm này, nhất là lao động phổ thông, không đòi hỏi nhiều về trình độ hay chuyên môn nên “người tìm việc” có nhiều cơ hội kiếm tiền phù hợp theo khả năng.

Những ngày nghỉ Tết Dương lịch hay vào cuối tuần, khi phần lớn mọi người nghỉ ngơi, du lịch thì lao động thời vụ sẵn sàng làm việc nhiều hơn. Vị trí tuyển dụng phổ biến nhất hiện nay là nhân viên bán hàng, gói hàng, vận chuyển hàng hóa, tư vấn, giúp việc nhà, thợ phụ, phục vụ quán ăn… Nhiều cửa hàng dịch vụ đã tuyển dụng từ khá sớm để nhân viên làm quen với công việc, đồng thời hạn chế tình trạng thiếu lao động. Chị Kim Hương (tiểu thương chợ Long Xuyên) trần tình: “Ngay cả việc gói hàng, tư vấn cũng là một “nghệ thuật” để thuyết phục người mua. Cuối năm, đâu đâu cũng khuyến mại, tổng kết, họp mặt… đều cần đến gói quà, tặng quà tận nơi”. Việc làm khá đơn giản, có thể linh hoạt giờ giấc, những lao động trẻ, sinh viên, học sinh có cơ hội làm thêm các công việc theo giờ. Bạn Mỹ Phương (sinh viên Trường Cao đẳng nghề An Giang) cho biết, mỗi năm chỉ trông dịp nghỉ hè và Tết để có thể làm thêm kiến tiền trang trải học phí. Đặc biệt vào cuối năm, Phương vừa bán hàng ở cửa hàng thời trang vào buổi tối, vừa nhận làm gia công các vật phẩm trang trí ngày cuối tuần, nhờ chịu khó nên số tiền kiếm được cũng kha khá.

Nhiều việc làm thời vụ đang thu hút lao động từ thành thị đến nông thôn

Làm công nhân trong ngành thủy sản, hàng ngày sau giờ làm, anh Trần Văn Bé (quê huyện Chợ Mới sang TP. Long Xuyên làm) còn “chạy sô” thêm dịch vụ chở hàng vào buổi tối, chủ yếu giao theo yêu cầu từ đại lý phân phối đến hộ nhỏ, lẻ. Anh Bé chia sẻ, nhờ chịu khó, mỗi buổi làm thêm kiếm được 200.000 đồng trở lên. Thông thường đến cận Tết, công ty mới công bố và phát tiền Tết cho công nhân nên nguồn thu nhập thêm này được anh sử dụng vào việc sắm quà Tết cho gia đình. Theo anh Bé, cuối năm doanh nghiệp ít tăng ca nên nhiều lao động tranh thủ tìm việc làm thêm. Ở một số khâu sản xuất, công nhân chỉ làm 3-4 ngày/tuần, họ xin tham gia cùng các nhóm làm dịch vụ quen thuộc như: vệ sinh, sửa chữa nhà, trang trí nội thất, vận chuyển hàng hóa, cây cảnh… để đảm bảo nguồn thu nhập. Đặc thù một số lĩnh vực cần tay nghề hiện nay vẫn “khát” lao động, như: nghề làm tóc nói riêng và các công việc liên quan dịch vụ chăm sóc sắc đẹp nói chung. Chị Minh Vy (chủ tiệm tóc tại phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Đã dán bảng tuyển thợ phụ cả tháng nay, tuyển được 3 người vẫn không đủ phục vụ khách. Ngày nào tiệm cũng hoạt động đến tối, nhân viên hoạt động luôn tay, luôn chân. Công việc này đòi hỏi có tay nghề nên tìm được thợ ưng ý rất khó, tiệm nào cũng cố gắng trả lương hậu hĩnh để giữ chân thợ giỏi. Chịu khó làm trong tháng cuối năm thôi, 1 người có thể kiếm hơn chục triệu là điều bình thường”.

Ở vùng nông thôn, các làng nghề truyền thống hay ngành, nghề sản xuất lâu năm đang thu hút lao động đáng kể. Thay vì làm thuê các công việc đồng áng, lao động đã bắt đầu tập trung vào những cơ sở quy mô để phụ việc. Bà Nguyễn Thị Thu Trang (44 tuổi, làm chậu kiểng ở xã Phú Thọ, Phú Tân) cho biết, mỗi ngày bà làm từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, có thể kiếm được 100.000-200.000 đồng. Thu nhập này cao và ổn định hơn so với thường ngày phải đi làm thuê việc khác. Phụ trợ các công đoạn làm chậu khá nhẹ nhàng, chỉ đắp mô, quay chậu, làm miệng chậu từ nguyên liệu có sẵn. Càng cận Tết, số lượng đặt hàng cao hơn, nhiệm vụ của bà Trang càng phải làm nhiều hơn và dĩ nhiên thu nhập càng nhiều. Ba năm nay, bà Trang gắn bó với nghề phụ làm chậu, có thể kiếm khoản thu nhập khá dịp cuối năm để lo cho con ăn học. Tương tự, ở làng nghề làm bánh phồng, làm chổi, sản xuất bánh kẹo, khô đặc sản cũng nhận mỗi nơi từ 5-10 lao động để đảm bảo tiến độ hoàn thành sản phẩm. Không đòi hỏi thành thạo hết mọi việc, thợ phụ chỉ làm công đoạn nhất định, nhưng hơn nhau thao tác làm nhanh lẹ, lao động thời vụ ở làng nghề cũng sẵn sàng “tăng ca” nếu có mức lương thỏa đáng.

MỸ HẠNH