Xử lý nghiêm việc nhập khẩu phế liệu trái phép

05/09/2018 - 07:35

 - Thời gian gần đây, tình trạng nhập khẩu (NK) phế liệu vào nước ta tăng bất thường, có khả năng trở thành “bãi rác” thế giới. Đây là vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có giải pháp ngăn chặn. Đồng thời, Tổng cục Hải quan (HQ) Việt Nam đã yêu cầu các cục, chi cục HQ địa phương phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định HQ trước khi cho lô hàng phế liệu được thông quan vào Việt Nam.

Trên 100 tấn phế liệu nhập lậu vào Việt Nam được Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan Vĩnh Hội Đông (trực thuộc Cục Hải quan An Giang) phát hiện bắt giữ

Nguy cơ trở thành “bãi rác” thế giới

Theo Cục HQAG, từ năm 2017 đến nay, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm NK 24 loại phế liệu, hoạt động NK, mua, bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Qua theo dõi của cơ quan HQ cả nước, số lượng phế liệu NK năm 2017 tăng gấp 2 lần so năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200 - 400% so với tổng khối lượng NK năm 2016. Chỉ 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu NK tăng đột biến gần 200% so cả năm 2017. Vấn đề đáng quan tâm là nhiều lô hàng phế liệu NK không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nên doanh nghiệp (DN) không đến làm thủ tục HQ hoặc không được cơ quan HQ giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu NK đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Tại An Giang, ngày 18-8-2018, nhận được tin báo từ quần chúng, có ghe phế liệu nhập lậu đang trên đường về Việt Nam, Đội Kiểm soát HQ và Chi cục HQ Vĩnh Hội Đông đã triển khai lực lượng phối hợp bắt giữ. Tổ công tác đã mật phục tại địa bàn ấp Phú Thuận (xã Phú Hội, An Phú). Do địa bàn biên giới mùa nước nổi tràn đồng, các phương tiện thủy di chuyển không theo luồng, tuyến cố định nên tổ công tác quyết định chia thành nhiều mũi để đón lỏng. Đến 16 giờ 15 phút cùng ngày, tổ công tác đã phát hiện, bắt giữ 2 ghe vận chuyển phế liệu giấy đang đi từ hướng Campuchia về Việt Nam, qua cột mốc 275 và trên đường ra cầu Kinh 13. Lực lượng kiểm soát HQ đã bắt giữ tại chỗ được 1 ghe biển kiểm soát SG-8221, ghe còn lại tăng tốc bỏ chạy về hướng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) và bị tổ công tác phối hợp lực lượng công an bắt giữ sau đó. Qua kiểm tra ghe biển kiểm soát SG-8221 có chở mặt hàng phế liệu, với tổng trọng lượng 103 tấn, trị giá trên 514 triệu đồng. Người điều khiển phương tiện là Huỳnh Văn Dân và Nguyễn Tấn Hận đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hóa (HH). Tổ công tác đã thu giữ tang vật, lập biên bản vi phạm hành chính đối với Huỳnh Văn Dân và Nguyễn Tấn Hận về hành vi vận chuyển trái phép HH qua biên giới và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiên quyết xử lý nghiêm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5290, ngày 5-6-2018 về việc quản lý chặt chẽ NK phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới, Tổng cục HQ đã chỉ đạo các cơ quan HQ địa phương, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, NK phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật; chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu NK.

Đặc biệt, thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu NK, trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi HH vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với HH là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin HH khai báo trên bản lược khai HH (manifest). Đối với HH là phế liệu nhưng người nhận hàng thể hiện trên bản lược khai HH (manifest) không có tên trong danh sách DN đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì thông báo cho các hãng tàu vận chuyển HH, DN kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng. Đồng thời, yêu cầu hãng tàu phải vận chuyển HH này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đối với trường hợp phế liệu NK đã đăng ký tờ khai làm thủ tục HQ, cơ quan HQ tiến hành lấy mẫu, kiểm tra thực tế 100% các lô hàng NK để đánh giá việc chấp hành quy định về pháp luật HQ và bảo vệ môi trường.

Kịp thời phát hiện, kiên quyết khởi tố, chuyển cơ quan công an mở rộng điều tra và xử lý DN vi phạm theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động NK phế liệu; tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động NK phế liệu từ tháng 1-2016 đến tháng 5-2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm làm giả giấy xác nhận NK phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận NK, làm giả, sửa chữa thông báo NK phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền.

MINH THƯ