Xử lý nhanh ổ dịch tả heo Châu Phi tại TP. Long Xuyên

22/05/2019 - 17:20

 - Chiều 21-5, một ổ dịch tả heo Châu Phi đã được phát hiện tại phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên). Như vậy, An Giang trở thành địa phương thứ 37 trong cả nước xảy ra bệnh dịch này.

Nhanh chóng tiêu hủy ổ dịch nhỏ ngay khi phát hiện

Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Xuyên Nguyễn Trí Quang cho biết: “Ngày 18 và 19-5, đàn heo tại hộ chăn nuôi Đinh Thanh Hồng (ngụ khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) bị sốt, bỏ ăn. Chủ hộ báo cho cán bộ thú y giám sát dịch bệnh để được hướng dẫn. Sáng 21-5, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu máu heo bệnh gửi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với bệnh dịch. Nguyên nhân gây bệnh nghi vấn do hộ chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn thừa (từ các quán ăn) chưa qua xử lý nhiệt. Vào lúc 18 giờ 30 phút đến 24 giờ cùng ngày, địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiêu hủy 27 con heo mắc bệnh. Hiện nay, TP. Long Xuyên đã thành lập chốt chặn 2 đầu của ổ dịch, khống chế không cho lượng heo ra vào vùng dịch, không để phát tán dịch; điều tra các hộ nuôi heo trong vùng để phòng ngừa, tránh xảy ra lây lan. Đồng thời, tổ chức rà soát, vệ sinh tiêu độc, khử trùng tất cả đàn heo trong phạm vi bán kính 3km nơi giáp ranh vùng dịch (bao gồm phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Quý), theo dõi, giám sát đàn heo để lấy mẫu khi có nghi ngờ”.

Riêng UBND phường Mỹ Thạnh thành lập 4 tổ (phản ứng nhanh, chốt chặn kiểm dịch, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc và thông tin tuyên truyền); 13 phường, xã khảo sát, đề xuất vị trí chôn lấp để chủ động tiêu hủy khi phát hiện thêm trường hợp heo mắc bệnh dịch. Địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đến tận hộ dân; thành lập ngay các đội tuần tra, kiểm soát liên ngành trên địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc. Các phường, xã đã tiến hành tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi heo nắm rõ tình hình, chủ động phối hợp cùng ngành chức năng phòng, chống dịch.

Xử lý nhanh ổ dịch tả heo Châu Phi tại TP. Long Xuyên

Tiêu hủy 27 con heo mắc bệnh tại phường Mỹ Thạnh

Đẩy mạnh phòng, chống dịch trong cả tỉnh

Sáng 22-5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến, bàn giải pháp xử lý dịch tả heo Châu Phi trên toàn địa bàn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Thị Thanh Vân, đây là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh; virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan, đang có xu hướng lây lan nhanh tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. “Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh phối hợp chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ đàn heo, phát hiện và xử lý nhanh khi heo mắc bệnh, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm từ heo trên địa bàn. Đề nghị UBND cấp huyện khẩn trương thành lập đội phản ứng nhanh trên địa bàn quản lý để thực hiện công tác phòng, chống dịch. UBND cấp xã thành lập ngay 4 tổ để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra”.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Văn Răng đã thông tin về Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 20-5-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp ủy, các ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Phải xem việc phòng chống, khống chế, không để dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Triển khai kiên quyết, đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên. Khi phát sinh dịch bệnh, phải huy động mọi nguồn lực xử lý, khống chế dập dịch ngay từ đầu; hỗ trợ người dân bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Không nên tẩy chay thịt heo

Dịch tả heo Châu Phi khiến heo mắc bệnh bị chết, nên cần phải khống chế nghiêm ngặt để tránh lây lan sang heo khỏe mạnh, chứ hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người. Tuy nhiên, đa phần người dân vẫn có tâm trạng lo lắng, không muốn dùng thịt heo khi nghe thông tin về dịch tả. Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương khẳng định: “Bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ gây bệnh trên heo, không lây truyền sang người. Người dân không nên hoang mang dẫn đến việc tẩy chay thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo. Mọi người vẫn có thể sử dụng thịt heo ở ngoài vùng dịch. Khi sử dụng các sản phẩm của heo, chỉ cần đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, phải nấu chín. Màu sắc của thịt heo phải đỏ tươi, mặt cắt sáng, khô; thịt săn chắc… Heo bệnh sẽ có triệu chứng xuất huyết trên da, tai; mặt cắt rỉ nước, một số cơ quan nội tạng cũng bị xuất huyết”.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, trong quá trình phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, cần lưu ý đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời cho người dân, tránh để xảy ra tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, kinh doanh thịt heo. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt). Ngành y tế nhanh chóng phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cụ thể về bệnh dịch tả, cách thức phòng tránh và sử dụng thịt heo an toàn, giúp người dân yên tâm.

KHÁNH HƯNG